Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

08:51, 01/07/2022

Sáng 30/6, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giai đoạn 2012-2022. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

 

10 năm trước, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XI vào tháng 5/2012, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trên cả nước đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cũng như phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng. Cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về tội tham nhũng. Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “Không thể tham nhũng, tiêu cực”. Nhận thức và sự đồng thuận trong xã hội cũng như hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được nâng cao…

Mặc dù đạt những kết quả nổi bật nhưng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả chưa cao… Đây là cũng những vấn đề  được hội nghị đưa ra và xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước như thời gian qua. Mặc dù vậy, công tác này vẫn con một số hạn chế cần phải tập trung khắc phục. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng tham nhũng tiêu cực vẫn là một trong những kẻ thù hung ác, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chính vì vậy cần thực hiện tốt hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Trong đó yếu tố đầu tiên là cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác này,  để có quyết tâm chính trị cao, biện pháp phù hợp, phải có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng, hành động quyết liệt, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa, đồng thời có cơ chế giám sát việc thực thi quyền lực. Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là phòng chống giặc nội xâm. Cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong công tác này. Cần xây dựng cơ chế, quy định để không dám tham nhũng, không cần tham nhũng. Tăng cường tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị. Phải rèn luyện đức tính liêm khiết,  xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác  kiểm tra, kiểm soát, thanh tra,  điều tra, kiểm toán. Đấu tranh chống tham nhũng gắn với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Phát huy vai trò giám sát trong thực thi quyền lực để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy định; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, trong sạch, thực sự liêm chính…

Đức Thành


Ý kiến bạn đọc