Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư

10:51, 30/03/2023

Sáng 29/3, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Bắc Kạn; đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

 

 

Sau khi chỉ thị 13 của Ban Bí thư ban hành, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã quán triệt, thực hiện; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Đây là giải pháp then chốt nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là tại một số địa phương còn thiếu quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh cũng đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích trồng và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực lâm nghiệp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn thông qua việc ban hành Chỉ thị số 13, ngày 15 tháng 5 năm 2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10, ngày 24 tháng 8 năm 2021 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Qua 5 năm thực hiện chỉ thị 13, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các ngành, địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được nâng cao. Người dân đã coi trồng rừng là một trong những hướng đi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đến nay, Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước với tỷ lệ hơn 73%. Tuy nhiên khó khăn, hạn chế của Bắc Kạn hiện nay là việc tham gia thị trường tín chỉ Cacbon; người dân nhiều nơi chưa thực sự sống được nhờ rừng; một số quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tế hiện nay làm phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài ra, mặc dù số lượng vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng giảm nhưng từ năm 2017 đến năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn xảy ra gần 3000 vụ vi phạm. Trong đó chủ yếu là người dân phát rừng tự nhiên sản xuất có trữ lượng gỗ thấp hoặc không có trữ lượng gỗ để lấy đất sản xuất và trồng rừng. Một số địa phương còn xảy ra tình trạng có cán bộ cấp xã, cấp thôn trực tiếp vi phạm hoặc để người nhà vi phạm Luật Lâm nghiệp; một số cán bộ, công chức ở cơ sở thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, còn để xảy ra vi phạm trên địa bàn nhưng chậm phát hiện, xử lý.v.v…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, bảo vệ rừng đã được đại biểu đưa ra, trong đó đề nghị Trung ương sửa đổi quy định về việc chuyển mục đích sử dụng  rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt, trữ lượng lâm sản thấp và giao thẩm quyền quyết định cho HĐND, UBND tỉnh. Đề nghị Chính phủ nâng mức khoán bảo vệ rừng, sớm thực hiện đầy đủ các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, xem xét đưa tiêu chí đất lâm nghiệp, diện tích rừng tự nhiên và tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương vào tiêu chí của định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; có cơ chế, chính sách đặc thù cho người dân sinh sống ổn định tại khu vực giáp rừng tự nhiên nhưng thiếu đất canh tác.v.v…..  

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh khẳng định kết quả tích cực mà tỉnh đạt được trong thực hiện chỉ thị 13 của Ban Bí thư, nhất là góp phần thay đổi nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng. Đời sống người dân được cải thiện. Thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng thực tiễn vẫn còn nhiều hộ dân chưa phát huy tối đa hiệu quả của rừng trồng, vẫn còn tình trạng “gặt lúa non” trong khai thác rừng trồng. Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; phòng ngừa vi phạm, nhất là ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Cùng với đó tập trung phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống cho người dân.

Phát biểu: Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (Phải rà soát lại các đề án tái cơ cấu nông nghiệp để phát huy hiệu quả kinh tế rừng. Cùng với đó ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Tăng cường thu hút đầu tư để đảm bảo phát triển rừng bền vững, rừng đa mục tiêu…. Rừng phải gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với an ninh quốc phòng, rừng che bộ đội rừng vây quân thù. … Rừng vàng biển bạc, “phải có chính sách để giữ vàng”.)

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành, địa phương cần phối hợp tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các huyện, thành ủy, đảng đoàn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển  kinh tế xã hội của mình gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đề nghị các ngành nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh kiến nghị Trung ương rà soát các chính sách, sửa đổi quy định pháp luật cho đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho những tỉnh có độ che phủ rừng cao như Bắc Kạn phát triển kinh tế, xã hội.

Đức Thành

Đức Thành

Ý kiến bạn đọc