Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: KTXH cả năm phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng

08:23, 09/01/2025

(Chinhphu.vn) - Chiều 8/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

0:00

08/01/2025  15:16

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: KTXH cả năm phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng- Ảnh 1.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 - Ảnh: VGP/NB

Đây là buổi họp báo Chính phủ đầu tiên trong năm mới 2025 và trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tại Trung ương và Hà Nội.

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết: 

Sáng cùng ngày (8/01), trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới 2025 - năm có ý nghĩa quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá để về đích cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, hiệp hội và doanh nghiệp.

Hội nghị tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024, thảo luận những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch KTXH năm 2025.

Hội nghị đã nghe ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, tâm huyết, sâu sắc và toàn diện với những tư tưởng chỉ đạo, định hướng xuyên suốt cho Chính phủ và chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: KTXH cả năm phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng- Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin về tình hình KTXH năm 2024 - Ảnh: VGP/NB

Hội nghị thống nhất nhận định: Năm 2024, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng DN; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững". KTXH phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ đạt mà cơ bản vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể: 

(1) GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09%, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trên thế giới. Cả ba khu vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9,0% so với năm trước.

(2) Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71%, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung, trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.

(3) Xuất nhập khẩu là điểm sáng của năm 2024. Tính chung cả năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước; cả năm, xuất siêu 24,77 tỷ USD.

(4) Du lịch phục hồi mạnh. Khách quốc tế năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm 2023.

(5) Cân đối thu chi ngân sách nhà nước được bảo đảm. Tổng thu NSNN năm 2024 ước đạt trên 2,03 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán, tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023. Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép.

(6) Hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn FDI đạt nhiều kết quả tích cực. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 ước đạt trên 3,69 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay.

(7) Tình hình phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Trong năm 2024, có hơn 233 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với trên 76 nghìn doanh nghiệp.

(8) Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Đưa vào khai thác thêm 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên hơn 2.021 km. Nhiều dự án, công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm được thực hiện nghiêm túc, thần tốc, như Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng.

(9) Triển khai quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Chính phủ trình Quốc hội thông qua 31 Luật, 42 nghị quyết; chủ trì, phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết theo hình thức trực tuyến đến 63 địa phương, đổi mới cách làm trong việc đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.

(10) Hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quảĐến thời điểm hiện tại, 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm.

(11) Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện; an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân được nâng lên.

(12) Quốc phòng, an ninh được tăng cường, củng cố; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao và đối ngoại quốc phòng được tiến hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, có nhiều dấu ấn nổi bật, mang tính đột phá, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, Quân đội.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: KTXH cả năm phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng- Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ tháng 12/2024 - Ảnh: VGP/NB

Phát biểu đáp từ và kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn và tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để đưa vào Nghị quyết, tập trung triển khai thực hiện ngay sau Hội nghị bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng, thiết thực.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm có rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quán triệt phương châm hành động năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", thực hiện đúng quan điểm "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó". Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn; lạm phát ở mức khoảng 4,5%. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, năng lượng sạch...).

(2) Triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", đảm bảo đúng tiến độ và làm tốt công tác tư tưởng.

(3) Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

(4) Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược:

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để thực sự là "đột phá của đột phá","chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động.

- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm: Phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài. Khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM; hoàn thiện các dự án khả thi đường sắt Bắc - Nam, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng...

Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn.

(5) Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội. Triển khai các dự án lớn về môi trường (chống sạt lở, sụt lún, ngập úng, khô hạn, ngập mặn, ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn).

(6) Giữ vững độc lập chủ quyền, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

(7) Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để xây dựng đất nước.

(8) Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

(9) Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài, đặc biệt là các dự án bất động sản, đất đai, tài sản công, năng lượng tái tạo…/.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ


Ý kiến bạn đọc


Video xem nhiều nhất