Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình về quản lý thị trường vàng; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ

08:13, 12/11/2024

(Chinhphu.vn) - Chiều 11/11, trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời làm rõ một số nội dung về quản lý thị trường vàng; công tác phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ,...

 

11/11/2024  18:16

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình về quản lý thị trường vàng; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời làm rõ một số nội dung đại biểu nêu trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ rất tốt, hợp lý

Giải trình về công tác phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế.

Khi nền kinh tế biến động tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ngân sách của nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Phó Thủ tướng khẳng định: Việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua rất tốt, hợp lý.

Cụ thể là, chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý. Nên kết quả đạt được trong thời gian qua tốt.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, 4 năm qua, chúng ta vượt thu ngân sách khoảng 1 triệu tỷ đồng, năm sau vượt thu cao hơn năm trước. Đồng thời, chúng ta đã giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 800 ngàn tỷ. 

Như vậy, tổng cộng tăng thu sẽ là gần 2 triệu tỷ đồng nếu trong điều kiện bình thường. Việc này cho thấy kết quả của chính sách tài khóa rất hiệu quả và hợp lý, Phó Thủ tướng khẳng định.

Dự kiến năm nay NSNN vượt thu khoảng 300.000 tỷ đồng để bổ sung đầu tư phát triển hạ tầng

Bên cạnh đó, chúng ta giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la Mỹ và đồng Việt Nam; xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng nữa; giữ ổn định hệ thống, phục vụ cho nền kinh tế rất tốt.

Trên cơ sở đó, GDP năm nay có thể tăng trưởng khoảng 7%; CPI tăng khoảng 3,88% và nợ công chiếm 37%.

Về thu ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, đến ngày hôm nay (11/11/2024), thu ngân sách đã đạt 99,4% so với dự toán được Quốc hội giao, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thu ngân sách đã tăng hơn năm trước là 255.216 tỷ đồng. Năm nay dự kiến tối thiểu vượt thu ngân sách so với năm trước khoảng 300.000 tỷ đồng để bổ sung cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình về quản lý thị trường vàng; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ- Ảnh 2.

Không có khó khăn, vướng mắc trong quản lý hóa đơn vàng

Về quản lý hóa đơn vàng và thị trường vàng, Phó Thủ tướng nêu rõ, đối với việc quản lý hóa đơn vàng, thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ và các quy định liên quan, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế, từ năm ngoái đến năm nay đã phát hành 5 văn bản để hướng dẫn kê khai và nộp thuế. 

Vì vậy việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp bán vàng, các cửa hàng bán vàng không có vấn đề khó khăn và vướng mắc.

Chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu

Về chất vấn đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) phản ánh việc quản lý hóa đơn vàng, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu của các cửa hàng kinh doanh vàng, Phó Thủ tướng cho biết: Vừa qua, có một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra và tạm đình chỉ khi cửa hàng không chứng minh được nguồn nguyên liệu (nguồn nguyên liệu có thể do ông cha để lại hoặc dự trữ từ trước không được kiểm đếm). 

Phó Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu. Nếu không chứng minh được là vàng lậu thì không có quyền xử lý các cửa hàng vàng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giải trình về quản lý thị trường vàng; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ- Ảnh 3.

Sẽ sửa đổi Nghị định 24

Về quy định xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng, Phó Thủ tướng cho biết, nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Hiện nay, thực tiễn đang có sự thay đổi, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi nghị định này. 

Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Nghị định 24, trong đó có nội dung liên quan đến nhập khẩu, kinh doanh vàng; tinh thần là tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, khi bán ra tạo điều kiện cho hàng trang sức xuất khẩu, bảo vệ hàng nội địa.

Đối với những biến động trên thị trường vàng thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân. Vừa có nguyên nhân từ giá vàng thế giới tăng cao, vừa do cung cầu, do yếu tố tâm lý, kỳ vọng… dẫn tới vàng dễ trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Về giải pháp sắp tới để quản lý chặt chẽ thị trường vàng, Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc mua bán đúng pháp luật, minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các cửa hàng và công ty kinh doanh vàng; tiếp tục chống buôn lậu mạnh mẽ; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; sửa Nghị định 24;…

Đa dạng kênh huy động vốn để thúc đẩy kinh tế phát triển

Báo cáo thêm về các giải pháp huy động nguồn lực cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới nhu cầu đầu tư vào nền kinh tế rất lớn, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để phát triển kinh tế đất nước như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các chương trình chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng,…

Theo Phó Thủ tướng những chương trình này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, do đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu sẽ phải chia sẻ với hệ thống các tổ chức tín dụng trong cung cấp nguồn vốn; không những huy động nguồn vốn trong nước mà còn huy động nguồn vốn ODA; PPP để thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kỳ vọng, trong thời gian không xa, quy mô nền kinh tế đất nước sẽ lớn mạnh hơn nhiều so với hiện tại.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ


Ý kiến bạn đọc


Video xem nhiều nhất