"Hãy về đi. Làm sao gia đình có thể sống thiếu anh được?", một phụ nữ gào khóc bên cạnh thi thể chồng, trong khi chờ đợi tại một nhà hỏa táng ở ngoại ô thủ đô New Delhi.
Tại khu đậu xe của nhà hỏa táng, hơn 10 xe cứu thương chứa các thi thể xếp hàng dài trong khi các nhân viên vất vả thu dọn tàn tro tràn ra từ khu vực hỏa táng chính.
Chỉ xếp sau Mỹ về tổng số ca nhiễm, Ấn Độ đã ghi nhận mỗi ngày hơn 300.000 ca mắc mới trong 9 ngày liên tiếp. Chỉ riêng ngày 30/4, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 386.000 ca bệnh mới và đây là mức cao nhất từng được ghi nhận tại một quốc gia trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát vào cuối năm 2019.
Tổng số người chết vì dịch bệnh tại Ấn Độ đã vượt con số 200.000 và số ca bệnh đã lên gần 19 triệu người, trong đó chỉ riêng từ tháng 2 đã ghi nhận gần 8 triệu gây ra do các biến chủng virus mới kết hợp với các sự kiện siêu lây nhiễm như các cuộc tuần hành chính trị và lễ hội tôn giáo.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, con số thực tế có thể cao hơn 5-10 lần so với số liệu công bố chính thức. Các bệnh nhân phải vật lộn vì thiếu giường trong bệnh viện, trong khi ôxy y tế rất khan hiếm và đắt đỏ.
Dù là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ hiện không có đủ vắc xin Covid-19 để sử dụng và thực tế này đang cản trở kế hoạch đẩy mạnh tiêm chủng. Cho tới nay, mới chỉ có khoảng 9% trong tổng số 1,4 tỷ dân của Ấn Độ được tiêm một liều vắc xin.
"Tôi đăng ký tiêm vắc xin 28 ngày trước, nhưng hiện họ vẫn đang nói là chưa có vắc xin", một người dân phàn nàn trên Twitter.
Ấn Độ đã chật vật để tăng công suất lên trên 80 triệu liều vắc xin một tháng do thiếu các nguyên liệu thô và một vụ hỏa hoạn gần đây tại Viện Serum, nơi sản xuất vắc xin của hãng AstraZeaneca.
Giới chức tại thủ phủ tài chính Mumbai cho biết các trung tâm tiêm chủng đang đóng cửa trong 3 ngày, trong khi giới chức New Delhi thông báo với người dân không tới các trung tâm tiêm chủng vào ngày 1/5 do vắc xin chưa kịp về.
Bang Karnataka, nơi có tập đoàn công nghệ Bengaluru, đã hủy nỗ lực tiêm chủng mới cho người trưởng thành dự kiến bắt đầu vào hôm nay.
Trong khi đó, giới chức tại bang Gujarat quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi, cho hay việc tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi từ 18-45 có thể bắt đầu vào ngày 1/5 tại các quận bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Trong thông báo mâu thuẫn với một số chính quyền địa phương, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các bang đã tích trữ 10 triệu vắc xin và thêm 2 triệu nữa sẽ có trong 3 ngày tới.
Trong cuộc họp với nội các vào ngày 30/4, Thủ tướng Modi đã gọi tình thế căng thẳng hiện thời là "cuộc khủng hoảng thế kỷ" tại Ấn Độ.
Trên đường phố, người dân đang rất cần sự trợ giúp.
"Bất kỳ thứ gì liên quan tới ôxy…, doanh số của chúng tôi đều tăng gấp đôi", một chủ cửa hàng y tế tại bang Uttar Pradesh nói.
Thuốc men cũng đang trở nên khan hiếm tại một số khu vực.
"Nhiều người dân đang hoảng sợ. Mọi người đang tích trữ thuốc men một cách không cần thiết, thậm chí cả những người không cần chúng", một doanh nhân khác cũng tại Uttar Pradesh nói.
Một nhóm các nhà khoa học cố vấn cho chính phủ Ấn Độ cho biết dịch Covid-19 có thể đạt đỉnh từ ngày 3-5/5, sớm hơn so với dự báo trước đó.
Trong bối cảnh hệ thống y tế của Ấn Độ quay cuồng do tình trạng nhân viên y tế gia tăng vắng mặt tại nơi làm việc do bị ốm hoặc phải chăm sóc người thân, các viện trợ quốc tế đã bắt đầu đổ vào nước này.
Chuyến bay hỗ trợ đầu tiên của Mỹ, mang theo các thiết bị y tế, khẩu trang, bộ xét nghiệm, thiết bị tạo ôxy đã tới Ấn Độ.
Washington đang vận chuyển số hàng viện trợ trị giá 100 triệu USD và chuyển hướng đặt hàng vắc xin AstraZeneca của nước này cho Ấn Độ, cung cấp hơn 20 triệu liều cho quốc gia Nam Á.
Anh, Ireland và Romania cũng gửi trợ giúp, và một lô vắc xin Sputnik đầu tiên của Nga dự kiến tới Ấn Độ vào hôm nay 1/5.
An Bình/dantri.com.vn