Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

"Nóng mặt" đáp trả NATO - G7, Trung Quốc tuyên bố "không ngồi yên"

08:37, 17/06/2021

 

Nóng mặt đáp trả NATO - G7, Trung Quốc tuyên bố không ngồi yên - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden (khẩu trang đen) trò chuyện với các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh ngày 14/6, NATO lần đầu tiên chỉ trích sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra những thách thức đối với an ninh Đại Tây Dương.

Bắc Kinh gọi tuyên bố của NATO là "vu khống" và "sai lầm", đồng thời khẳng định Trung Quốc không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh toàn cầu.

"Đây là một sự vu khống nhằm vào quá trình phát triển hòa bình của Trung Quốc, đánh giá sai diễn biến tình hình quốc tế và vai trò của NATO trên thế giới, cũng như sự tiếp tục của tâm lý Chiến tranh Lạnh và chính trị theo khối", phái bộ Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay 15/6 tuyên bố.

Tuyên bố chung của NATO khẳng định liên minh này sẽ cùng nhau chống lại "những thách thức có hệ thống" từ Trung Quốc.

"Chúng tôi không đặt ra "những thách thức hệ thống" cho bất kỳ quốc gia nào. Nhưng chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu có ai đó đặt ra "những thách thức có hệ thống" đối với chúng tôi", phái bộ Trung Quốc cho biết, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ theo dõi những thay đổi trong chính sách của NATO với Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo NATO cho rằng những hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân và năng lực tác chiến không gian vũ trụ cũng như không gian mạng đã đe dọa trật tự quốc tế.

Đáp lại, phái bộ Trung Quốc nói rằng nước này có ít vũ khí hạt nhân hơn Mỹ và các quốc gia NATO khác, và Trung Quốc đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các quốc gia không có vũ khí này.

Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ nước này có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, nhưng Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Trung Quốc có 350 đầu đạn trong năm nay, tăng so với 320 đầu đạn vào năm ngoái và nhiều hơn tất cả thành viên NATO, ngoại trừ Mỹ.

"Điều chúng tôi muốn hỏi là, liệu NATO và các quốc gia thành viên từng tuyên bố cam kết "hòa bình, an ninh và ổn định" có thể thực hiện các cam kết tương tự như Trung Quốc không?", phái bộ Trung Quốc lên tiếng.

Trong một phản ứng giận dữ, tuyên bố từ phái bộ Trung Quốc tại EU kêu gọi NATO "xem xét sự phát triển của Trung Quốc một cách hợp lý, ngừng thổi phồng "thuyết Trung Quốc đe dọa" dưới mọi hình thức và không sử dụng lợi ích cũng như quyền hợp pháp của Trung Quốc làm cái cớ để thao túng chính trị nhóm và tạo ra các cuộc đối đầu".

NATO cho biết khối này vẫn sẽ tìm kiếm "đối thoại mang tính xây dựng" với Trung Quốc, nhưng sẽ làm việc với "các đối tác cùng chí hướng" để duy trì lợi thế về công nghệ mới và duy trì "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Trung Quốc kêu gọi NATO "nhìn nhận một cách hợp lý sự phát triển của Trung Quốc và ngừng thổi phồng mọi luận điệu về "mối đe dọa Trung Quốc"". Trung Quốc cũng cho biết ngân sách quân sự của nước này - bằng 1/5 ngân sách của các thành viên của NATO - đã chứng minh rằng Bắc Kinh sẽ không gây ra mối đe dọa cho an ninh phương Tây.

Tuyên bố của NATO về Trung Quốc được đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh cũng ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về vấn đề Tân Cương, Hong Kong và nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc. Bắc Kinh cũng giận dữ đáp trả tuyên bố của G7, gọi đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay đã chỉ trích nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO trong những ngày gần đây.

Thành Đạt/dantri.com.vn