Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

"THÙNG THUỐC SÚNG" DONBASS TRƯỚC NGUY CƠ CHIẾN SỰ KHỐC LIỆT

08:49, 14/04/2022

Cuối tháng 3, khi Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu giai đoạn một của chiến dịch quân sự tại Ukraine và chuyển trọng tâm sang "giải phóng" hoàn toàn vùng ly khai Donbass, giới quân sự phương Tây đều tin rằng, cuộc chiến đang chuyển sang một giai đoạn mới thậm chí khốc liệt hơn.

Ukraine những ngày gần đây tuyên bố, họ đã sẵn sàng cho một trận chiến lớn ở Donbass. Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm 7/4 cảnh báo, quy mô của "trận chiến Donbass" sẽ gợi nhớ về Thế chiến II, do vậy ông kêu gọi NATO tiếp tục cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Kiev.

"Trận chiến ở Donbass sẽ khiến thế giới nhớ về Thế chiến II với các chiến dịch lớn, các cuộc hành quân, hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép, chiến đấu cơ và pháo. Tôi rất tiếc phải nói ra điều này nhưng đó là sự thật. Đây không còn là một chiến dịch ở quy mô địa phương. Người Nga có kế hoạch của họ, chúng tôi cũng vậy. Kết quả của trận chiến ở Donbass sẽ được quyết định trên chiến trường", Ngoại trưởng Ukraine phát biểu.

Trận chiến Donbass được dự đoán sẽ rất khác so với cuộc tiến công nhằm vào Kiev hồi cuối tháng 2, thời điểm các đơn vị của Nga mở màn chiến dịch quân sự nhưng dường như chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc giao tranh hạng nặng. Xung đột âm ỉ 8 năm qua giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga khiến hơn 14.000 người thiệt mạng giờ đây có thể sắp trở thành một cuộc giao tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh.

Thùng thuốc súng Donbass trước nguy cơ chiến sự khốc liệt - 1

Donbass gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk (hay Luhansk), trong đó lực lượng ly khai kiểm soát một phần (Đồ họa: BBC).

Donbass, gồm 2 khu vực Donetsk và Lugansk, vốn là một trung tâm của ngành công nghiệp khai thác than, luyện kim đen và kim loại màu của Ukraine. Donbass cũng từng là một trong các khu vực đô thị hóa nhất của Ukraine, có thời điểm khoảng 90% dân số sinh sống tại thành thị. Khu vực này trở thành tâm điểm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine khi chiến sự giữa phe ly khai và quân đội Ukraine nổ ra ở đây từ năm 2014, sau sự kiện Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo giới quan sát, Nga chuyển trọng tâm vào Donbass sau hơn một tháng xung đột ở Ukraine, dường như là bởi muốn thu hẹp phạm vi chiến dịch để tìm kiếm một chiến thắng chắc chắn. Phần lớn quân đội Ukraine hiện tập trung ở miền Đông. Lầu Năm Góc cho biết nếu Nga bao vây thành công lực lượng Ukraine tại Donbass, Moscow có thể lấy đó làm lợi thế trên bàn đàm phán, củng cố một hành lang đất liền giữa Donbass và Bán đảo Crimea trên Biển Đen.

Phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho biết việc lực lượng Nga chuyển trọng tâm sang Donbass một phần do những diễn biến tại Mariupol. Cơ quan này nhận định quân đội Nga có thể sẽ kiểm soát thành phố cảng trong vài ngày tới. Nếu Mariupol thất thủ, Nga sẽ kiểm soát khu vực miền Đông Nam Ukraine, kết hợp với lực lượng ở thành phố Kharkov để tạo thành gọng kìm bao vây quân đội Ukraine ở Donbass.

MỘT TRẬN CHIẾN CÓ THỂ RẤT KHÁC

Kể từ khi tuyên bố hoàn tất mục tiêu giai đoạn một của "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hồi cuối tháng 3, các đơn vị xe tăng, pháo binh và nhiều lực lượng khác của Nga đã rút khỏi các khu vực quanh Kiev và tiến về miền Đông. Các hình ảnh vệ tinh mới được công bố của hãng Maxar Technologies, cho thấy một đoàn xe kéo dài hơn 13 km gồm hàng trăm phương tiện của Nga đang di chuyển về phía Nam qua thị trấn Velykyi Burluk của Ukraine, phía Đông Kharkov và phía Bắc Izyum.

Ngoài tập trung binh sĩ và hỏa lực, Nga được cho là cũng bổ nhiệm tướng Alexander Dvornikov, Tư lệnh Quân khu miền Nam dày dặn kinh nghiệm, làm chỉ huy chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Thùng thuốc súng Donbass trước nguy cơ chiến sự khốc liệt - 2

Binh sĩ Ukraine tại vùng Donbass (Ảnh: AFP).

Thay đổi chiến thuật giúp Nga tập trung lực lượng, khí tài cho một mặt trận thay vì dàn trải nhiều mặt trận như giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự. Mặt khác, theo một số ý kiến, Nga có nhiều lợi thế ở mặt trận Donbass.

Theo các nhà phân tích, địa bàn Donbass dường như quen thuộc với Nga hơn và đường tiếp viện cũng rút ngắn và dễ dàng hơn so với Kiev. Nga cũng có thể dựa vào một mạng lưới đường sắt để tiếp tế cho quân đội của họ, trái ngược hoàn toàn với mặt trận trước kia ở Kiev.

Những khó khăn về hậu cần Nga từng gặp phải ở Kiev giờ đây có thể không còn là vấn đề ở Donbass. Khu vực này giáp biên giới Nga và phe ly khai ở Donbass sẵn sàng giúp đỡ quân đội Nga về mặt hậu cần. Lực lượng của họ có thể được tiếp đạn dược, vũ khí, quân tăng viện ở cách đó chưa đầy 100 km. Trong khi đó, viện trợ phương Tây cho Ukraine chủ yếu đến từ Ba Lan, nơi cách Donbass đến 1.000 km.

Ngoài ra, địa hình rộng với những rừng cây thưa thớt ở Donbass là điều kiện thuận lợi để quân đội Nga thực hiện chiến thuật tấn công chớp nhoáng, trong khi khiến Ukraine mất đi lợi thế tác chiến đô thị họ đã thể hiện ở mặt trận Kiev. "Họ bước vào một trận chiến mà cả hai bên đều thấy nhau, dễ dàng bị phát hiện. Địa hình quá trống trải. Nếu không ẩn mình trong những xe bọc thép hoặc xe tăng, họ có thể thiệt hại nặng", Jack Watling, chuyên gia tại Viện nghiên cứu hoàng gia Anh, nói về bất lợi của lực lượng Ukraine ở Donbass.

Theo Stripes, để đối phó quân đội Nga ở Donbass, Ukraine sẽ cần bổ sung vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, pháo binh. Điều này rất khác so với thời điểm phòng thủ Kiev, khi lực lượng Ukraine chỉ cần tên lửa phòng không hay máy bay không người lái.

"Chiến trường miền Đông Ukraine có địa hình khác biệt so với phần còn lại. Nó khá rộng và bằng phẳng. Địa hình này thuận lợi để thực hiện các cuộc tiến công quy mô với xe tăng cùng xe bọc thép", Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đánh giá.

Đó là lý do giới quân sự tin rằng, Donbass có thể trở thành chiến trường "so găng" giữa lực lượng xe tăng, xe thiết giáp của Ukraine và Nga - một trận chiến mà Nga chiếm ưu thế hơn về hỏa lực, phương tiện quân sự và đường tiếp tế.

"Đây sẽ là một trận chiến quy mô lớn với hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu. Phạm vi của các hoạt động quân sự về cơ bản sẽ không giống bất cứ điều gì mà khu vực này từng trải qua", Franz-Stefan Gady, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nhận định.

Mặc dù được đánh giá có nhiều ưu thế hơn, nhưng Nga cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để phá vỡ tuyến phòng thủ đã được Ukraine xây dựng và củng cố suốt 8 năm qua với hệ thống các công sự, hầm hào, bố trí dày đặc. Lực lượng của Ukraine tại Donbass cũng được đánh giá là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội nước này. Ukraine cũng đang liên tục gia tăng lực lượng tại chiến trường Donbass. Theo các nguồn thạo tin, quân số Ukraine ở vùng Donbass đã tăng gấp đôi lên 90.000 quân.

Ngoài ra, các nước như Mỹ và phương Tây đang tăng cường viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho chiến trường Donbass bằng cả đường hàng không, hệ thống đường sắt và đường bộ của Ukraine.

YẾU TỐ PHƯƠNG TÂY

Thùng thuốc súng Donbass trước nguy cơ chiến sự khốc liệt - 3

Phương Tây liên tục cấp vũ khí cho Ukraine (Ảnh: EPA).

Cục diện chiến trường ở Ukraine thay đổi đang thúc đẩy phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev. Giới chức quốc phòng Ukraine và phương Tây đều cho rằng với tình hình chiến trường mới, Kiev sẽ cần nhiều vũ khí hạng nặng, thay vì chỉ dựa chủ yếu vào tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai như ở giai đoạn trước.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba tuần trước cho biết, nước này cần phương Tây hỗ trợ thêm máy bay chiến đấu, xe bọc thép, tên lửa chống hạm phóng từ đất liền và các tổ hợp phòng không hạng nặng. Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh: "Nếu có đủ thiết giáp hạng nặng, pháo binh, chúng tôi đã có thể phá vòng vây cho Mariupol. Không may là chúng tôi đang không có đủ vũ khí để chấm dứt xung đột sớm hơn".

Các nhà phân tích cho rằng, Ukraine chỉ còn vài tuần để tăng số lượng và triển khai vũ khí hạng nặng đến Donbass. Nga cũng cần khoảng thời gian tương tự để tái bố trí lực lượng, bổ sung vũ khí trước khi bắt đầu một chiến dịch lớn ở miền Đông Ukraine.

Theo ông Ben Hodges, cựu tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu, Ukraine không còn nhiều thời gian để tái vũ trang trước khi giai đoạn chiến sự tiếp theo bắt đầu. "Ba tuần tới có ý nghĩa quyết định liệu Ukraine có thể ngăn đợt tiến công của lực lượng Nga hay chiến sự sẽ kéo dài thêm nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nữa", ông bình luận.

Mỹ và các đồng minh ban đầu tỏ ra do dự khi cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine, đặc biệt là sau khi Moscow cảnh báo các lô vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine có thể trở thành "mục tiêu chính đáng" của lực lượng Nga. Tuy nhiên, khi nguy cơ một trận chiến khốc liệt xảy ra ở miền Đông Ukraine ngày càng rõ rệt, họ dần có những thay đổi trong chính sách cấp vũ khí.

Phương Tây đang tận dụng những trang thiết bị quân sự mà Ukraine có thể dễ dàng sử dụng. Cộng hòa Séc mới đây được cho là đã trở thành thành viên NATO đầu tiên gửi cho Kiev các xe tăng T-72 do Liên Xô thiết kế vốn đã quen thuộc với quân đội Ukraine, trong khi Slovakia đồng ý cung cấp hệ thống phòng không S-300.

Các nước như Mỹ, Anh, Đức đến nay tuy vẫn phản đối việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, song bắt đầu cởi mở hơn với kế hoạch chuyển giao xe bọc thép và xe tăng cho Ukraine.

Washington Post dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Mỹ có thể công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 750 triệu USD cho Ukraine. Các thiết bị mà Mỹ dự kiến cung cấp cho Ukraine lần này được cho là có các xe bọc thép Humvee, pháo phản lực, máy bay không người lái bảo vệ bờ biển, và các loại tên lửa khác. Nguồn tin nói rằng, trực thăng Mi-17 cũng được đưa vào, nhưng lại bị rút khỏi danh sách vào phút chót.

Đầu tuần này, trong chuyến thăm không báo trước tới Kiev, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cam kết Anh sẽ cấp 120 xe bọc thép cho Ukraine. Mặc dù vậy, đến nay, phương Tây vẫn khẳng định, những vũ khí, khí tài cấp cho Ukraine mang bản chất "phòng thủ".

Theo các chuyên gia, nguồn vũ khí phương Tây ít nhiều chi phối cục diện xung đột Nga - Ukraine, giúp Kiev đối phó đà tiến công của Moscow. Mặt khác, họ cảnh báo, đây có thể là yếu tố khiến Nga quyết định triển khai các vũ khí hạng nặng, tối tân hơn ở đây, giao tranh khi đó sẽ khốc liệt hơn và có nguy cơ lan rộng.

Minh Phương /Nguồn://dantri.com.vn


Ý kiến bạn đọc