Từ việc chỉ viện trợ mũ bảo hiểm và các vũ khí hạng nhẹ ở giai đoạn đầu chiến sự, phương Tây giờ đây đã chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến sắp diễn ra ở "chảo lửa" Donbass.
"Vũ khí, vũ khí, và vũ khí", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hồi tuần trước phát biểu trước các lãnh đạo NATO về chương trình nghị sự của Kiev tại sự kiện này.
Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước tới tuần thứ 8 và tiến trình đàm phán vẫn đang bế tắc, cũng như Nga tuyên bố thu gọn chiến dịch quân sự về miền Đông và Nam Ukraine, Kiev giờ đây nói rằng họ "cần vũ khí, rất nhiều vũ khí".
Đây được xem là thời điểm quan trọng của cuộc chiến và loại vũ khí mà Ukraine sử dụng tại Donbass cũng cần phải thay đổi nếu họ muốn thực sự đối phó với Nga, theo Washington Post.
Từ mũ bảo hiểm tới xe tăng
Trong giai đoạn đầu của chiến sự, các nước NATO lo ngại rằng vũ khí hạng nặng họ chuyển cho Ukraine có thể thành mục tiêu của quân đội Nga, hay lực lượng Ukraine sẽ không có thời gian huấn luyện để sử dụng hiệu quả, hoặc việc giao vũ khí hiện đại có thể làm gia tăng căng thẳng giữa NATO và Nga trở thành một cuộc đối đầu, theo Washington Post.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến đã kéo dài tới gần 2 tháng, và phương Tây nhận định rằng, chiến sự ở giai đoạn kế tiếp có thể kéo dài thêm vài tháng, và quyết liệt hơn giai đoạn đầu, NATO đã bắt đầu công bố việc chuyển cho Ukraine các vũ khí có tính sát thương, độ chính xác, tầm tấn công xa hơn.
Hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ tới Kiev gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tại đây, nhà lãnh đạo Anh tuyên bố sẽ cung cấp 120 phương tiện bọc thép, cùng với các tên lửa chống hạm hỗ trợ Ukraine ở Biển Đen.
Mỹ cũng công bố viện trợ Ukraine các lô vũ khí, đạn dược, và các hỗ trợ an ninh khác với tổng trị giá 800 triệu USD để giúp Kiev gia tăng khả năng tự vệ. Lô vũ khí lần này, ngoài những vũ khí hạng nhẹ còn có các vũ khí hạng nặng như pháo, đạn pháo, xe bọc thép chở quân M113, máy bay trực thăng Mi-17, thiết giáp "hùm xám" Humvee.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng đang thúc đẩy việc chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine, sau giai đoạn đầu thận trọng chỉ chuyển vũ khí hạng nhẹ như hàng nghìn các hệ thống tên lửa vác vai dễ sử dụng.
Các vũ khí hạng nhẹ trên đã có tác dụng làm chậm đà tiến của lực lượng Nga ở nhiều khu vực chiến lược và giờ đây khi chiến sự đã chuyển về phía Đông, Ukraine vẫn trông đợi vũ khí phương Tây như là những công cụ có thể giúp họ "lội ngược dòng" và "thay đổi cuộc chơi" tại những khu vực mà Nga đã giành được quyền kiểm soát ở Đông và Nam Ukraine.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao phương Tây quyết định mạo hiểm khi cung cấp vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine trong giai đoạn 2 của cuộc chiến?
Thứ nhất, chiến sự hiện đã bước sang giai đoạn mới và tập trung về vùng đồng bằng ở Đông và Nam Ukraine, địa hình mà Nga có lợi thế. Tại Donbass, địa hình của chiến sự mở hơn sẽ có phương pháp tác chiến khác, không giống như cận chiến trong khu vực đô thị và khu vực rừng núi như ở xung quanh Kiev và một số thành phố khác trong giai đoạn đầu.
Khu vực này cũng nằm gần biên giới Nga và nó mang lại thuận lợi cho Moscow về vấn đề tiếp tế, hậu cần, vận tải và thông tin liên lạc, khác với việc họ phải tác chiến sâu trong đất liền Ukraine như giai đoạn trước.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm 13/4 cho biết gói vũ khí viện trợ phù hợp với tình hình thực tế ở Donbass và sẽ giúp Ukraine có những năng lực cần thiết cho cuộc chiến sắp tới gần.
Thứ hai, phương Tây cho rằng, với diễn biến trong tương lai, việc viện trợ vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine sẽ không còn là đủ để Kiev đối phó với Nga.
"Giờ đây tên lửa chống tăng là không đủ nữa", chuyên gia Michael Kofman tại tổ chức CNA (Mỹ) nhận định. Ông Kofman ước tính rằng, Ukraine sẽ cần hàng trăm phương tiện bọc thép chiến đấu, bao gồm xe tăng và một lượng đạn dược rất lớn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov thậm chí liệt kê ra một danh sách dài hơn, gồm cả lá chắn phòng không, máy bay chiến đấu, pháo tầm xa để ngăn lực lượng Nga áp sát, xe tăng và thiết giáp đủ để xuyên thủng lớp phòng vệ của Moscow, tên lửa chống hạm để phá thế kiểm soát của Nga ở Biển Đen.
Phương Tây đã bắt đầu đáp ứng các yêu cầu của Kiev khi Slovakia đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa phòng không có từ thời Liên Xô S-300. Trong khi đó, Cộng hòa Séc gửi xe tăng T-72, còn Anh và Mỹ cũng đã cam kết sẽ chuyển thêm các vũ khí hạng nặng khác.
Thứ ba, trong giai đoạn đầu, những nước ủng hộ Ukraine có xu hướng tập trung hầu hết vào việc cung cấp vũ khí mà lực lượng Kiev biết cách sử dụng hoặc có thể sử dụng mà không cần huấn luyện nhiều. Điều này là hợp lý vì ban đầu các bên đều cho rằng Nga sẽ đẩy nhanh chiến dịch quân sự với tốc độ cao, và Ukraine sẽ không có thời gian để học sử dụng các vũ khí mới. Một quân nhân có thể học sử dụng tên lửa chống tăng Javelin chỉ bằng cách xem một đoạn video ngắn. Trong khi đó, các nước ở Trung và Đông Âu có thể chia sẻ kho vũ khí Liên Xô của họ cho Ukraine để Kiev có thể dễ dàng sử dụng ngay.
Tuy nhiên, sau khi Nga tuyên bố thu gọn chiến dịch về khu vực miền Đông và Nam Ukraine, phương Tây cho rằng chiến sự có thể kéo dài tới nhiều tháng. Vì vậy, các lo ngại về thời gian có thể không còn là trở ngại quá lớn với NATO, khi họ vẫn có thời gian để huấn luyện quân nhân Ukraine cách sử dụng những khí tài hạng nặng phức tạp.
Thứ trưởng Quốc phòng Lithuania cho biết: "Ngay từ đầu, chúng tôi chỉ cung cấp vũ khí nếu chúng tôi biết rằng người Ukraine có thể vận hành chúng ngay và luôn. Giờ đây, chúng tôi đang gửi những vũ khí tiên tiến hơn và sẵn sàng đầu tư thời gian để giúp họ sử dụng chúng".
Mỹ đã cam kết sẽ có thêm các đợt viện trợ vũ khí khác cho Ukraine với những loại mà họ mô tả là "chưa từng có tiền lệ".
Thách thức hậu cần và cung ứng
Phương Tây kỳ vọng các vũ khí họ gửi cho Kiev có thể làm thay đổi cuộc chơi, nhưng trước mắt họ vẫn đang đối mặt với những thách thức nhất định.
Đầu tiên, cuộc tranh luận về việc cung cấp vũ khí gì, cung cấp như thế nào vẫn đang "âm ỉ" trong lòng NATO. Nhiều nước lo ngại việc NATO quá tích cực trong việc đưa vũ khí hạng nặng sẽ gửi một thông điệp leo thang tới Nga và có thể kéo khối liên minh vào xung đột trực tiếp với Moscow.
Trong hội nghị NATO hồi tuần trước, ranh giới giữa cái gọi là vũ khí tự vệ và vũ khí tấn công dường như đã bị xóa nhòa. Một quan chức NATO giấu tên nói với Washington Post rằng, để giúp Ukraine đối phó Nga, NATO cần phải gửi tất cả những vũ khí cần thiết cho Kiev bất kể là loại gì.
Đức, quốc gia gửi cho Ukraine 5.000 mũ bảo hiểm hồi tháng Một, đã nêu cao sự cần thiết của việc viện trợ vũ khí sát thương, nhưng họ vẫn chần chừ với việc cung cấp những vũ khí mạnh mẽ hơn và hạng nặng tới Ukraine. Ví dụ, Đức đã thông báo sẽ không gửi xe tăng Marder cho Ukraine vì Berlin cần những xe tăng này để bảo vệ cho an ninh của chính họ. Trong khi đó, phía Anh nói rằng, phương Tây không thể đáp ứng mọi yêu cầu về vũ khí của Ukraine và phải xem xét cẩn thận từng loại vũ khí nào được chuyển đi.
Mặt khác, Nga đã nhiều hơn một lần cảnh báo rằng, họ coi những chuyến vũ khí gửi từ NATO tới Ukraine là "mục tiêu hợp lệ" cho các hành động quân sự và điều này có nguy cơ đẩy Nga và NATO vào xung đột trực tiếp. Tuần qua, Nga thông báo đã phá hủy 4 bệ phóng thuộc hệ thống phòng không S-300 một quốc gia châu Âu chuyển cho Ukraine.
Theo AP, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi phương Tây viện trợ vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine, các lô hàng này đi tương đối suôn sẻ vì Nga dường như chưa kiểm soát hoàn toàn được không phận Ukraine nên họ không thể chặn đứng được chúng như đã cảnh báo. Thêm vào đó, các vũ khí hạng nhẹ có thể được vận chuyển bằng các phương tiện dân sự và chúng trộn lẫn vào luồng giao thông từ các nước NATO qua Ukraine. Việc thiếu hệ thống tình báo trên thực địa khiến Nga khó phân biệt được đâu là mục tiêu xe chở vũ khí phương Tây cần nhằm vào.
Tuy nhiên, theo CNN, việc phương Tây đưa vũ khí hạng nặng vào Ukraine cũng là một thách thức nhất định vì đây là những khí tài kích thước lớn, và khó có thể ngụy trang chúng một cách dễ dàng như các tên lửa vác vai kích thước nhỏ.
Trên thực tế, ở giai đoạn đầu của chiến dịch, Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Ba Lan để làm trung gian chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine vì lo ngại vướng vào xung đột trực tiếp với Nga.
Giờ đây, khi Slovakia gợi ý về việc có thể cân nhắc chuyển MiG-29 cho Ukraine, Mỹ bày tỏ sự ủng hộ với việc này, nhưng thận trọng nói rằng họ chưa có kế hoạch tham gia vào quá trình chuyển vũ khí tới Ukraine. Điều này cho thấy khoảng cách khá lớn về mặt hậu cần giữa những lời cam kết và thực tế tại hiện trường.
Từ thách thức về mặt hậu cần, việc chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine đối mặt với một trở ngại khác là tốc độ.
Phương Tây nhiều lần nhấn mạnh cam kết của họ trong thời gian qua về việc chuyển vũ khí, nhưng câu hỏi là liệu những khí tài này có đến đủ nhanh để Ukraine ngăn đà tiến của Nga hay giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát hay không.
Lầu Năm Góc cũng thừa nhận là "thời gian đang không có lợi cho Ukraine" trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị "lên dây cót" cho chiến sự ở miền Đông.
Ben Hodges, một cựu chỉ huy của lục quân Mỹ, cho rằng, những tuần tới sẽ rất quan trọng với chiến sự ở Ukraine khi nó sẽ quyết định xem liệu Kiev có thể phản công trở lại Moscow thành công hay không. Nếu kịch bản trên không xảy ra, chiến sự có thể còn kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Chính bản thân Ukraine cũng bày tỏ sự băn khoăn nhất định với tốc độ vận chuyển khí tài từ phương Tây khi Bộ trưởng Reznikov cảnh báo rằng, những sự trì hoãn trong việc cung cấp vũ khí sẽ dẫn tới "sự suy kiệt của một quốc gia".
Mỹ thừa nhận họ đang cố gắng đẩy nhanh việc chuyển vũ khí cho Ukraine, khi xúc tiến việc chuyển khí tài trước khi họ công bố rộng rãi. Tuần này, Mỹ cũng trực tiếp họp với các nhà thầu quốc phòng lớn để bàn tính cách tăng tốc chuyển khí tài cho Ukraine.
Một vấn đề khác mà nhiều quốc gia phương Tây lo ngại là, nếu chiến sự kéo dài thêm, họ sẽ còn có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bao lâu nữa.
Cuối tháng 3, cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Alexey Arestovich, thừa nhận lực lượng Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng của Kiev. Điều này dẫn tới một thực tế là trong thời gian tới, phương Tây sẽ phải cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Ukraine để họ đối phó với Nga.
Tuy nhiên, theo Politico, không phải quốc gia NATO nào cũng có sẵn vũ khí dư trong kho để chuyển cho Ukraine trong thời điểm gấp gáp như vậy. Họ cũng phải duy trì lượng khí tài nhất định để bảo đảm an ninh cho chính họ.
Thách thức cho phương Tây là họ không muốn trở thành "tay không" trước căng thẳng với Nga. Họ không thể dồn hết vũ khí cho Ukraine trong một thời gian dài. Chính vì vậy, theo chuyên gia Nick Reynolds của Viện Royal United Services (Anh), vấn đề về nguồn cung vũ khí cũng được phương Tây đặt lên bàn cân.
Trên thực tế, vũ khí hạng nặng không phải là mặt hàng có thể được sản xuất trong thời gian ngắn.
Bản thân Mỹ, quốc gia dẫn đầu NATO đang đối mặt với kịch bản cạn tên lửa chống tăng Javelin trong kho vũ khí sau khi cấp cho Ukraine hàng nghìn quả.
Theo chuyên gia Mark F. Cancian của trung tâm CSIS (Mỹ), Washington có thể đã giao 1/3 kho tên lửa Javelin cho Ukraine. Mỹ đang đối mặt với việc phải giảm chuyển Javelin cho Ukraine để đảm bảo họ không bị cạn kiệt vũ khí này trong các kế hoạch quân sự ở những khu vực khác trên thế giới. Việc sản xuất tên lửa không thể nhanh và có thể sẽ phải mất vài năm để lấp đầy kho Javelin của họ.
Nếu Ukraine bị giảm đi nguồn cung Javelin, họ sẽ mất đi một loại vũ khí hiệu quả để đối phó với lượng xe tăng và thiết giáp đông đúc của Nga. Tốc độ mua Javelin của Mỹ trong nhiều năm qua là 1.000 quả mỗi năm, trong khi tốc độ bàn giao là 32 tháng, nghĩa là khi một đơn đặt hàng được giao tới nhà thầu, sẽ phải mất 32 tháng thời gian chờ trước khi tên lửa được gửi đi.
Ngoài Javelin, Mỹ được cho cũng đã gửi 1/4 kho tên lửa Stinger cho Ukraine (khoảng 2.000 quả). Việc tăng cường sản xuất để lấp đầy kho tên lửa không phải dễ dàng khi Mỹ cũng đối mặt với thách thức tương tự như với Javelin.
Mỹ trước đó tuyên bố, họ sẽ viện trợ 10 quả Javelin cho mỗi xe tăng Nga tham chiến ở Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Nga có 2.800 xe tăng và 13.000 xe bọc thép trong các đơn vị cùng với 10.000 xe tăng và 8.500 xe thiết giáp đang được cất giữ. Các chuyên gia ước tính, với tốc độ mất xe tăng như giai đoạn đầu, Nga khó có thể cạn kiệt kho xe bọc thép trong lâu dài. Câu hỏi được đặt ra là, nếu chiến sự kéo dài, phương Tây có thể còn cung cấp được Ukraine bao nhiêu loại vũ khí nữa và số lượng là bao nhiêu để họ có thể đảm bảo Ukraine đối phó được Nga nhưng cũng đảm bảo an ninh cho chính NATO?
Đức Hoàng/dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc