Sau 100 ngày giao tranh với Ukraine, quân đội Nga đang thực hiện giai đoạn 2 chiến dịch tại Donbass với các diễn biến rất quyết liệt. Nga trong thời gian qua đã quyết định mang vũ khí thế mạnh của họ tới Ukraine, dự kiến có thể làm xoay chuyển tình hình: Hệ thống tác chiến điện tử.
Các thông tin từ chiến trường cho thấy, lực lượng Nga đang tăng cường đánh chặn thiết bị thông tin liên lạc của quân đội Ukraine trong khi gây nhiễu các hệ thống định vị và dẫn đường của đối thủ.
"Họ đang làm nhiễu mọi hệ thống mà họ có thể tiếp cận được. Chúng tôi chưa thể nói họ đang ở thế thống trị (về tác chiến điện tử) nhưng họ cản trở chúng tôi rất nhiều", Newsweek dẫn lời một quan chức của Aerorozvidka - cơ quan chuyên phát triển thiết bị quân sự của Ukraine, đưa tin.
Theo nguồn tin của AP, Nga tăng cường đã gây nhiễu máy thu GPS trên các máy bay không người lái của lực lượng Ukraine dùng để xác định vị trí và bắn pháo vào các mục tiêu của đối phương.
Theo giới chuyên gia, đây được xem là một bước chuyển chiến lược của Nga, khi Moscow bắt đầu sử dụng thông tin từ các hệ thống tác chiến điện tử để triển khai hỏa lực nhằm vào các mục tiêu của Ukraine.
Hồi tháng 4, một báo cáo của quốc hội Mỹ nói rằng, Nga trước đó chưa sử dụng quy mô lớn hệ thống tác chiến điện tử - vũ khí không có súng đạn nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn tới cục diện chiến sự, khi có thể cung cấp các thông tin tình báo chiến trường quan trọng.
Nga, cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, nổi tiếng với năng lực tác chiến điện tử hiệu quả. Một tổ chức tư vấn của Estonia, một nước thành viên NATO, từng nhận định rằng công nghệ tác chiến điện tử của Nga sẽ "gây ra thách thức nghiêm trọng tới việc lập kế hoạch và tác chiến của NATO để bảo vệ các nước Baltic".
Hồi năm 2018, một tướng cấp cao của Mỹ thừa nhận quân đội nước này ở Syria phải đối mặt với mối đe dọa từ thiết bị tác chiến điện tử hiện đại của Nga.
Vào thời điểm đó, chuyên gia quân sự Daniel Goure của viện Lexington (Mỹ) cho biết hệ thống tác chiến điện tử của Nga được triển khai rất tinh vi. Họ có thể tích hợp chúng trên các phương tiện lớn hoặc máy bay, và gây ra thiệt hại ở khoảng cách hàng trăm km.
Tổ chức nghiên cứu quân sự Janes cho biết, Nga đã tăng cường sử dụng thiết bị tác chiến điện tử, cùng với hệ thống máy bay không người lái. Các thông tin tình báo thu được từ hoạt động chặn tín hiệu, trinh sát được chuyển tới các đơn vị pháo binh. Đó là lý do vì sao, trong thời gian qua, Nga đạt được sự áp đảo về hỏa lực trước Ukraine ở Donbass.
Ngoài ra, Janes cũng nói rằng, Ukraine trong những năm qua cũng đã nỗ lực phát triển năng lực tác chiến điện tử sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Mặt khác, giới chuyên gia trước đó cảnh báo rằng, việc Nga đưa các hệ thống hiện đại tới Ukraine cũng có rủi ro nhất định. Họ phải đối mặt với nguy cơ Ukraine và phương Tây có thể tiếp cận với hệ thống khí tài hiện đại của Moscow và phát triển một biện pháp khắc chế vũ khí hiện đại của đối thủ.
Nguồn://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc