Thách thức chờ đón Nga
Sau hơn 4 tháng giao tranh ác liệt, Nga tuyên bố giành chiến thắng quan trọng: Kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk. Lugansk và Donetsk, hay gọi chung là vùng Donbass, là hai tỉnh ở trung tâm công nghiệp miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, việc Nga chiếm được thành trì lớn cuối cùng của lực lượng Ukraine ở Lugansk khiến nước này phải hứng chịu nhiều tổn thất. Câu hỏi quan trọng đặt ra hiện nay là liệu Nga có thể tập hợp đủ nguồn lực cho một cuộc tiến công mới vào Donetsk để hoàn thành việc kiểm soát vùng Donbass và giành được lợi thế ở những khu vực khác của Ukraine hay không?
"Đúng là Nga đã giành được Lugansk, nhưng với giá nào?", Oleh Zhdanov, nhà phân tích quân sự ở Ukraine, nói, đồng thời lưu ý rằng một số đơn vị của Nga tham gia trận chiến ở Lugansk đã mất tới một nửa số binh lính.
Ngay cả Tổng thống Vladimir Putin cũng thừa nhận, lực lượng Nga chiến đấu ở Lugansk cần "nghỉ ngơi một thời gian và củng cố năng lực chiến đấu của họ".
Điều này làm dấy lên hoài nghi về việc liệu các lực lượng Nga và phe ly khai có thể nhanh chóng tiến sâu vào Donetsk hay không. Giới quan sát ước tính, trong những tuần gần đây, Nga kiểm soát khoảng một nửa tỉnh Donetsk và các chiến tuyến đã thay đổi rất ít kể từ đó.
"Đây là những tổn thất rất nghiêm trọng. Đó là lý do Nga đang rút quân, tập hợp lại, triển khai quân sang các hướng khác", Ihor Romanenko, cựu Phó tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ukraine, nhận định.
Tỉnh trưởng Donetsk, ông Pavlo Kyrylenko, kêu gọi 350.000 người dân sơ tán khỏi tỉnh này để đảm bảo tính mạng và giúp quân đội Ukraine đối phó tốt hơn với đà tiến công của Nga.
"Số phận của cả đất nước sẽ do vùng Donetsk quyết định. Khi còn ít dân thường hơn, chúng tôi có thể tập trung nhiều hơn vào đối phương và thực hiện các nhiệm vụ chính", ông Kyrylenko phát biểu tại Kramatrosk, trung tâm hành chính của tỉnh và là nơi đặt trụ sở quân đội Ukraine trong khu vực.
Nếu Nga thành công ở Donbass, nước này có thể giải phóng lực lượng để kiểm soát thêm các khu vực khác và đưa ra các điều khoản cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Mặt khác, nếu Ukraine muốn kìm chân Nga trong một thời gian dài, họ có thể tích lũy các nguồn lực để tiến hành phản công.
Làm cho Nga kiệt sức từ lâu đã nằm trong kế hoạch của Ukraine - bên yếu thế hơn từ khi bắt đầu xung đột. Tuy nhiên, Ukraine vẫn hy vọng vũ khí phương Tây rốt cuộc có thể giúp họ giành được lợi thế.
Ukraine đã sử dụng hiệu quả các loại pháo hạng nặng và hệ thống tên lửa tiên tiến do Mỹ và các đồng minh phương Tây chuyển tới. Nhiều vũ khí vẫn đang được cung cấp cho Ukraine, tuy nhiên Kiev thừa nhận họ vẫn bị áp đảo trước hỏa lực của Nga.
Sau khi rút khỏi thủ đô Kiev cũng như các khu vực ở miền Bắc Ukraine, Nga đã từ bỏ chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh và dồn quân tới Donbass. Kể từ đó, Nga đã áp dụng chiến thuật chậm mà chắc, cho phép nước này kiểm soát một số thành trì còn lại của Ukraine ở Lugansk trong những tuần gần đây.
Nhà phân tích Zhdanov dự đoán, Nga có thể dựa vào lợi thế về hỏa lực pháo binh để "áp dụng chiến thuật phá hủy toàn bộ các thành phố" ở Donetsk. Cùng ngày Nga tuyên bố kiểm soát thành phố Lysychansk ở tỉnh Lugansk, các cuộc tấn công bằng pháo binh mới cũng được ghi nhận ở Donetsk.
Tuy nhiên, chiến thuật Nga vẫn có nhược điểm. Quân đội Nga cho đến nay vẫn chưa cập nhật con số thương vong sau khi nước này tuyên bố 1.300 binh sĩ đã thiệt mạng trong tháng đầu xung đột. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho rằng đây chỉ là một phần nhỏ so với tổn thất thực tế. Giới quan sát phương Tây lưu ý rằng, số binh sĩ Nga tham gia chiến đấu ở Ukraine đã giảm dần. Điều này cho thấy tổn thất nặng nề của quân đội Nga và Moscow vẫn chưa thể bù đắp được.
Nhân lực hạn chế buộc các chỉ huy Nga phải tránh những nỗ lực đầy tham vọng nhằm bao vây các khu vực rộng lớn ở Donbass. Thay vào đó, Nga chọn các chiến dịch quy mô nhỏ hơn và dựa vào pháo hạng nặng để buộc Ukraine phải rút lui dần.
Quân đội Nga cũng phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng ly khai. Các quan chức và giới phân tích phương Tây cho rằng Moscow ngày càng tăng cường hợp tác với các nhà thầu quân sự tư nhân. Nga cũng khuyến khích các cựu binh nhập ngũ, mặc dù cách này chưa rõ có thành công hay không.
Mặc dù Tổng thống Putin cho đến nay vẫn chưa phát lệnh tổng động viên, song một dự luật được đề xuất gần đây cho thấy Moscow đang tìm cách khác để bổ sung lực lượng chiến đấu. Dự luật sẽ cho phép lính nghĩa vụ trẻ, những người nhập ngũ trong vòng một năm và chưa được tham gia chiến đấu, ngay lập tức được ký hợp đồng để trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dự luật đã bị gác lại do vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ.
Một số quan chức và giới phân tích phương Tây cho rằng, tổn thất quá lớn có thể buộc Moscow phải tạm dừng cuộc tiến công vào một thời điểm nào đó vào cuối mùa hè, tuy nhiên Lầu Năm Góc cảnh báo Nga vẫn điều quân và hàng tiếp tế với tốc độ nhanh chóng và Moscow vẫn có nguồn lực dồi dào.
Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết Tổng thống Putin dường như chấp nhận tốc độ tiến công chậm chạp ở Donbass và hy vọng giành chiến thắng bằng cách đẩy lùi các lực lượng thiện chiến nhất của Ukraine.
"Chúng tôi tin Nga nghĩ rằng, nếu họ có thể thực sự đè bẹp được một trong những lực lượng mạnh và được trang bị tốt nhất ở miền Đông Ukraine, điều đó sẽ khiến nỗ lực kháng cự của Ukraine bị giảm sút và trao cho Nga cơ hội lớn hơn", quan chức Mỹ nhận định.
Cuộc tiến công tiếp theo
Nếu Nga giành chiến thắng ở Donbass, họ có thể đẩy mạnh việc kiểm soát vùng Kherson và một phần của tỉnh Zaporizhzhia lân cận nhằm chia tách sự liên kết của Ukraine với Biển Đen đến tận biên giới Romania. Nếu kế hoạch này thành công, điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Ukraine và cũng tạo ra một hành lang tới khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi có căn cứ quân sự của Nga. Moscow được cho là sẽ tìm cách để kiểm soát Biển Đen và ngăn Ukraine tiếp cận vùng biển chiến lược này.
Tuy nhiên, Nga không dễ dàng đạt được mục tiêu trên. Mykola Sunhurovsky, chuyên gia tại Trung tâm Razumkov, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kiev, dự đoán những vũ khí hạng nặng của phương Tây, bao gồm các hệ thống pháo phóng loạt HIMARS, được viện trợ càng nhiều sẽ càng giúp Ukraine lật ngược tình thế.
"Nguồn cung vũ khí sẽ cho phép Ukraine bắt đầu một cuộc phản công ở phía nam và chiến đấu để giành lại Kherson và các thành phố khác", chuyên gia Sunhurovsky nói.
Tuy nhiên, Ukraine cũng phải đối mặt với tổn thất lớn về nhân lực. Ước tính, 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng mỗi ngày trong các cuộc giao tranh ác liệt ở miền Đông những tuần gần đây.
"Nhìn chung, cán cân quân sự ở Donbass đang có lợi cho Nga, nhưng xu hướng dài hạn vẫn có lợi cho Ukraine. Tuy nhiên, dự đoán này được đưa ra dựa trên điều kiện là phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ quân sự. Đây có thể là một cuộc chiến kéo dài", Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga và giám đốc viện nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Chuyên gia quân sự Forbes McKenzie dự đoán trong vòng 6-8 tuần tới, Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ dọc theo tuyến phòng thủ của Ukraine ở miền Đông. Nếu Nga tạo ra một bước đột phá, mục tiêu chiến lược của họ sẽ là kiểm soát Donbass vào mùa thu. Trong trường hợp không thể chọc thủng hàng phòng ngự của Ukraine, nhiều khả năng Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công tổng lực dọc theo chiến tuyến dài 50km.
Theo cựu Phó tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ukraine Ihor Romanenko, Nga đang tập trung hàng chục tiểu đoàn cho cuộc tiến công sắp tới, nhưng vẫn chưa có đủ lực lượng và quân dự bị do lực lượng Ukraine cũng giành được nhiều lợi thế ở các khu vực khác.
Lực lượng Ukraine bắt đầu phản công vào các khu vực do Nga kiểm soát ở miền trung. Ngoài ra, Ukraine cũng kiểm soát một số ngôi làng ở Kherson, một khu vực quan trọng ở phía nam tiếp giáp với Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014.
"Nga sẽ triển khai tiến trình kép, một mặt tiếp tục tiến công vào Donetsk, mặt khác, họ không để Ukraine chiếm Kherson", ông Romanenko nói.
Tuy nhiên, theo ông Romanenko, trở ngại chính là Ukraine chưa có đủ khả năng đối phó với năng lực quân sự áp đảo của Nga. Năng lực chiến đấu của Ukraine vẫn phụ thuộc vào việc phương Tây tăng cường viện trợ quân sự. Ukraine cần vũ khí hạng nặng, đặc biệt là các hệ thống rocket phóng loạt cơ động cao do Mỹ sản xuất.
Thành phố Kherson ở phía nam Ukraine là một trong những nơi đầu tiên thất thủ và nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng Nga trong những ngày đầu chiến sự.
"Các cuộc phản công của Ukraine ở phía nam đặt các lực lượng Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Liệu họ duy trì cuộc tiến công ở phía đông hay củng cố lực lượng cho phía nam?", Mick Ryan, một cựu tướng lĩnh trong quân đội Australia, nói.
Theo ông Ryan, câu hỏi trên ngày càng cấp bách hơn trong bối cảnh "cuộc chiến ở miền nam là mặt trận có tầm quan trọng chiến lược lớn hơn" so với vùng Donbass ở miền Đông.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình chiến sự tại Ukraine hôm 6/7, Bộ Quốc phòng Anh dự đoán thành phố Sloviansk ở Donetsk sẽ là điểm nóng tiếp theo trong cuộc xung đột tại vùng Donbass. Giới chức tình báo Anh cũng tiết lộ các lực lượng quân đội Nga đang khép chặt vòng vây với thành phố Sloviansk.
"Có một khả năng rõ ràng là thành phố Sloviansk sẽ trở thành chiến trường then chốt tiếp theo trong chiến dịch giành quyền kiểm soát Donbass của Nga", Bộ Quốc phòng Anh khẳng định.
Pierre Grasser, nhà nghiên cứu tại Đại học Sorbonne ở Paris, cho rằng "quân đội Nga có thể đặt mục tiêu kiểm soát Sloviansk, Kramatorsk và các khu vực xung quanh".
Một điểm nóng đáng chú ý khác trong nỗ lực tiến công của lực lượng Nga là Kharkov - thành phố lớn thứ 2 của Ukraine và nằm gần biên giới đông bắc với Nga.
"Nếu Ukraine sụp đổ và Kharkov hoàn toàn bị cô lập, Nga có thể buộc họ phải lựa chọn giữa cam kết bảo vệ thành phố này hoặc giảm sức ép ở phía nam đối với Kherson", Pierre Razoux, giám đốc học thuật của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải (FMES), cho biết.
Theo ông Razoux, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các chỉ huy quân sự nước này "sẽ triển khai các đơn vị để ngăn chặn một cuộc tiến công lớn vào mùa hè" nhằm bao vây Kharkov. Việc bao vây Kharkov có thể dẫn tới cuộc xung đột khốc liệt kéo dài tới một năm.
Trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu những tổn thất về binh sĩ, khí tài và thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây, một số chuyên gia cho rằng Moscow có thể sẽ chấp nhận bước vào bàn đàm phán với Kiev.
Vào cuối tháng 6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra phương án đàm phán với Ukraine, với điều kiện "áp dụng tất cả các điều kiện do Nga đặt ra", điều mà Kiev không thể chấp nhận.
Một thách thức lớn hơn cho tiến trình đàm phán là sự chia rẽ trong nội bộ Ukraine. Chuyên gia Pierre Razoux nhận định, các chỉ huy quân sự và những người theo lập trường cứng rắn ở Ukraine sẽ "từ chối bất kỳ thỏa hiệp nào với Nga", ngay cả khi Tổng thống Zelensky sẵn sàng đạt được một thỏa thuận với quốc gia láng giềng.
Thành Đạt/dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc