Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ sau tết Nguyên Đán, các địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức cho học sinh đến trường. 100% tỉnh, thành phố, Sở GDĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình hình dịch bệnh. Tuy vậy, qua theo dõi thực tiễn và kết quả kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, việc đưa học sinh trở lại trường học là cần thiết, không chỉ liên quan đến việc học của học sinh mà đây còn liên quan đến việc lao động việc làm, phát triển kinh tế xã hội của cha mẹ học sinh. Do vậy, cần thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi căng thẳng, dẫn đến chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú… Tuy vậy, vấn đề an toàn cho học sinh vẫn là yếu tố hàng đầu khi mở cửa trường học. Do đó ngành giáo dục cần phối hợp với ngành y tế đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho học sinh; sớm có hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp. Đồng thời, có biện pháp điều trị kịp thời đảm bảo sức khỏe đối với đối tượng là F0 trong các trường học.
Ngọc Doanh