16h chiều nay (20/9), Thành ủy Hà Nội và UBND TP tổ chức họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Thông tin định hướng về các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố thời gian tới, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, kể từ sau 6h sáng 21/9, thành phố sẽ điều chỉnh, nới lỏng một số hoạt động nhưng ưu tiên hàng đầu là công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và an toàn cho thủ đô…
Về một số nguyên tắc chính sẽ áp dụng, theo ông Dũng, thành phố sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát di biến động của người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thành phố đã phân cấp ủy quyền cho các sở ngành, địa phương nhằm hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện tốt giải pháp phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ để đảm bảo an toàn với dịch.
Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức hậu kiểm về công tác phòng, chống dịch.
Cũng theo ông Dũng, thành phố sẽ duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt và ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh quá trình truy vết khi có F0 phát sinh trên địa bàn thành phố; điều chỉnh hoạt động khu vực ổ dịch, khu vực nguy cơ cao và phong tỏa một cách linh hoạt cũng như điều chỉnh các hoạt động trên địa bàn thành phố một cách linh hoạt.
"Đề nghị tất cả người dân và tổ chức doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch để giữ kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua" - ông Dũng nhấn mạnh và cho biết các cá nhân, tổ chức khi được nới lỏng hoạt động trong thời gian tới sẽ phải thực hiện các tiêu chí, quy định do thành phố ban hành liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Cuộc họp trên được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Hà Nội có nhiều dấu hiệu tích cực (F0 ghi nhận hàng ngày đang có chiều hướng giảm; ít ca mắc trong cộng đồng; hơn 5,6 triệu người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi một...).
Đặc biệt, đến 6h sáng mai (21/9), Hà Nội sẽ chính thức kết thúc đợt giãn cách lần thứ 4 để phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ trì cuộc họp chiều nay là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng. Cùng tham gia họp có đại diện các sở ngành có liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Trước đó, chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Sau khi nghe Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.
Đến chiều 15/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Công văn số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, Hà Nội cho phép mở lại một số hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 6/9 đến ngày 15/9.
Tối 15/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 6/9 đến tối 15/9 có 19 quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ở cộng đồng, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa, Tây Hồ.
Cộng dồn số F0 trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến sáng 20/9), thành phố Hà Nội đã ghi nhận 3.925 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.598 ca, số F0 thuộc diện đã được cách ly là 2.327 ca.
Tại cuộc họp trực tuyến với các cơ quan liên quan diễn ra vào chiều qua (19/9), Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ.
Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.
Nguyễn Trường/dantri.com.vn