Tiến Sĩ Maria Kerkhove, từ trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chia sẻ trong buổi livestream gần đây về xu hướng của dịch Covid-19 trong thời gian tới. Theo đó, các chuyên gia của WHO đang thảo luận nội bộ xem liệu đại dịch sẽ như thế nào trong vòng 3,6,9 hay 18 tháng tới.
"Trong tâm trí tôi thì tôi nghĩ trong khoảng thời gian từ giờ đến hết năm 2022. Sẽ mất chừng đó thời gian để sản xuất đủ vaccine và tiêm hết cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhất và điều đó sẽ thay đổi tình hình của cán cân hiện nay", TS Maria Kerkhove nói.
Còn về việc có thể loại bỏ hoàn toàn virus này trên phạm vi toàn cầu hay không, theo chuyên gia chúng ta đã vuột mất cơ hội đó. Việc này là do ngay từ đầu chúng ta không đối phó với chủng virus này một cách mạnh mẽ và quyết đoán nhất có thể. Đây là một chủng virus phức tạp, hoàn toàn mới tấn công cộng đồng hoàn toàn chưa có miễn dịch. Nó lây truyền chủ yếu trong những người mắc bệnh triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Những điều này thực sự là thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Vì vậy, virus có thể trở thành bệnh lưu hành nhưng lưu hành không có nghĩa là truyền nhiễm với cùng cấp độ và tần suất mà nó đang lây nhiễm trong thời điểm hiện tại.
"Hiện tại chúng ta chưa ở vào thời điểm mà virus trở thành bệnh lưu hành. Nhưng kể cả khi đã là bệnh lưu hành không có nghĩa là virus này không nguy hiểm. Điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta đầu hàng", chuyên gia của WHO bày tỏ.
Những công cụ hữu hiệu để kết thúc đại dịch
TS Maria Kerkhove cũng chia sẻ về một quan điểm trong dự luận khiến giới chuyên môn "không yên tâm".
"Đó là khi đại dịch trở thành bệnh lưu hành nghĩa là chúng ta phất cờ trắng và nói rằng thôi virus sẽ cứ tồn tại thế thôi. Nhưng không, chúng ta chưa bước qua đại dịch, chúng ta vẫn ở giữa nó. Đơn giản vì chúng ta không thể sử dụng những công cụ mà có thể đưa ta đến gần hơn với thời điểm kết thúc của đại dịch", TS Maria Kerkhove nhấn mạnh.
Theo bà, những công cụ đó là vaccine, rộng hơn là việc tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. Ngoài ra còn phải kể đến biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang là một biện pháp rất đơn giản, có đủ các loại từ khẩu trang y tế, khẩu trang vải 3 lớp để chọn. Giữ khoảng cách an toàn, thông khí trong những tòa nhà nơi chúng ta sống và làm việc là những biện pháp cần đầu tư hơn nhưng có thể cứu mạng người.
Trong một báo cáo gần đây của Bộ Y tế, WHO cũng cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể "tiếp diễn hơn một năm" bởi các nước nghèo chưa thể tiếp cận được nguồn vaccine. Chưa đầy 5% dân số châu Phi được tiêm vaccine Covid-19 trong khi hầu hết châu lục khác tỷ lệ này là 40%.
WHO đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 40% dân số thế giới sẽ tiêm đủ vaccine Covid-19. Nhưng gần đây Covax thậm chí còn giảm số liều vaccine dự kiến chuyển đến châu Phi, từ 620 triệu liều xuống chỉ còn 470 triệu liều. Số vaccine này chỉ có thể tiêm đủ 2 mũi cho 17% dân số châu Phi. "Lục địa Đen" cần thêm 500 triệu liều vaccine để đạt mục tiêu 40% vào cuối tháng 12.
Do vậy, Giám đốc WHO tại châu Phi cảnh báo: "Với tỷ lệ này, châu Phi chỉ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine Covid-19 cho 40% dân số vào cuối tháng 3/2022".
"Dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, cần thực hiện tốt 5K"
Chia sẻ về mốc thời gian hơn một năm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng dự báo dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhận định dịch có thể kéo dài, đặc biệt là sau này có thể giảm đi để trở thành một bệnh "đặc hữu" như cúm mùa. Tuy nhiên, người ta cũng chưa biết thời điểm nào virus này diễn tiến như thế.
"Điều này phụ thuộc vào vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19. Dựa trên tỷ lệ tiêm vaccine của các nước, WHO dự báo khoảng thời gian như trên để đạt được miễn dịch cộng đồng và chấp nhận được để dịch lui và trở về như một bệnh "đặc hữu", đó là chưa đề cập đến sự biến thể của vi rút tạo thành chủng nguy hiểm hơn", TS Phu chia sẻ.
Cũng vì thế, theo chuyên gia trong khi Việt Nam chưa bao phủ được diện rộng vaccine phòng Covid-19 thì người dân dù đã tiêm hay chưa tiêm, dù ở vùng xanh hay đỏ thì luôn không được chủ quan. Vì không thể đưa ca mắc Covid-19 trở về 0 nên điều đó đồng nghĩa dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nên cần thực hiện tốt thông điệp 5K.
Đặc biệt, mối lo hiện hữu với nhiều tỉnh thành trong đó có Hà Nội chính là người đi về từ các tỉnh miền Nam- chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tại những địa phương này, dịch đã nhiễm sâu vào cộng đồng, TS Phu cho biết.
Người dân khi từ vùng dịch về địa phương tuyệt đối không chủ quan, thực hiện tốt 5K. Những trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại nhà thì cần lưu ý yêu cầu về cách ly y tế không nghiêm ngặt như người phải cách ly tại nhà (có nhân viên y tế theo dõi giám sát hằng ngày, buồng cách ly riêng…) nhưng cũng không được ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, đặc biệt là không đến những chỗ đông người, không tiếp xúc với người khác để tránh lây cho cộng đồng.
"Tự theo dõi sức khỏe tại nhà không có nghĩa là được đi làm đầu, sang nhà bạn chơi, đi ăn… như một số trường hợp F0 gần đây của TP Hà Nội. Yêu cầu các biện pháp phòng chống dịch với người tự theo dõi sức khỏe tại nhà không quá ngặt nghèo, nhưng người dân cần tuyệt đối tuân thủ để không lây cho gia đình, cộng đồng", TS Phu nhấn mạnh.
Trao đổi với Dân trí trước đó, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng khẩn cấp toàn cầu này sẽ không kết thúc cho đến khi và trừ khi việc lây truyền được kiểm soát trong mọi cộng đồng. Dịch sẽ không hết khi ở đâu đó vẫn xảy ra các ổ dịch có các ca nhiễm. Virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây nhiễm trong một thời gian rất dài và rõ ràng là Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần. Cũng như các virus gây đại dịch cúm trước đây, nó sẽ phát triển để trở thành một trong những virus gây ảnh hưởng đến con người.
Nam Phương/dantri.com.vn