Không "sợ" Covid-19 vì... đã tiêm vaccine
Sau khi vợ xét nghiệm nhanh dương tính SARS-CoV-2, anh N.Q.T., 24 tuổi, sinh sống tại TPHCM, đã tự làm xét nghiệm tại nhà bằng kit test và cũng cho kết quả "2 vạch".
Tuy nhiên, qua trao đổi, anh T. cho hay bản thân không quá bất ngờ khi biết mình là F0.
"Công việc của tôi thường xuyên phải đi lại, tiếp xúc nhiều. Tại TPHCM tỷ lệ người là F0 cũng ở mức cao. Do đó, tôi đã sẵn sàng tâm lý mắc Covid-19 từ lâu", anh T. nói.
Cũng theo anh T. nhiều đồng nghiệp tại cơ quan cũng có suy nghĩ "ai rồi cũng sẽ thành F0". Do đó, việc chẳng may bị mắc Covid-19 không còn là vấn đề đáng bận tâm, nhất là sau khi đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Chung tâm lý, anh N.P.D., 30 tuổi, sống tại Hà Nội, chia sẻ với Dân trí rằng, từ khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cảm thấy không còn "quá sợ" Covid-19 như trước.
"Thấy nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng là người trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sau khi mắc Covid-19 triệu chứng rất nhẹ, nên tôi nghĩ rằng mình mắc phải chắc cũng sẽ giống cảm cúm thông thường. Do đó, vài tháng trở lại đây, tôi dần khôi phục lại nhịp sinh hoạt bình thường như trước, không quá "khắt khe" việc phải ở nhà, không đến nơi đông người. Nếu không may mắc bệnh thì cách ly tại nhà và uống thuốc theo hướng dẫn vì đằng nào chúng ta cũng chung sống với dịch", anh D. nói.
Trên thực tế, tâm lý "chấp nhận có thể mắc Covid-19", đang xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ người dân, khi xác định chung sống với đại dịch.
Đặc biệt, nhiều người trẻ, đã tiêm đủ mũi vaccine coi Covid-19 chỉ là bệnh nhẹ như cảm cúm và mắc bệnh cũng như được "tiêm mũi vaccine tự nhiên".
Chủ quan với Covid-19: Nhóm nguy cơ cao sẽ là nạn nhân đầu tiên
Trao đổi với Dân trí, BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, tình trạng một bộ phận người dân "buông lỏng" các biện pháp chống dịch từ tâm lý chủ quan trước Covid-19 là rất đáng báo động.
"Nếu người dân có tâm lý chủ quan, chấp nhận việc bị lây nhiễm mà không có biện pháp kiểm soát có thể khiến cho số lượng F0 tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống y tế", BS Hùng cho hay.
Theo chuyên gia này, mỗi hệ thống y tế đều có một công suất vận hành tối đa. Khi số F0 tăng quá nhanh và vượt mức này gây tình trạng quá tải sẽ dẫn đến việc không đảm bảo trong công tác chăm sóc y tế, từ đó tăng nguy cơ chuyển nặng và thậm chí là tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.
"Có những trường hợp bệnh nhân nặng khi cơ sở y tế vận hành bình thường sẽ được đáp ứng chăm sóc nhiều hơn nên cơ hội sống của họ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, khi cơ sở y tế quá tải, khả năng chăm sóc y tế giảm xuống, đồng thời cũng sẽ làm giảm cơ hội sống của họ", BS Hùng phân tích.
Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng nhận định, khi số ca bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế, nhóm có nguy cơ diễn biến nặng cao như người cao tuổi, người có bệnh nền sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất.
Đã tiêm đủ mũi vaccine cũng không được chủ quan
Theo BS Hùng, ngay cả những trường hợp đã được tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 cũng tuyệt đối không được chủ quan với căn bệnh này.
"Thực tế điều trị, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp đã tiêm đủ mũi vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19. Trước hết phải nhắc đến nguy cơ bản thân mắc bệnh và lây nhiễm cho những người thân trong gia đình. Đặc biệt là sẽ rất nguy hiểm cho trường hợp nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cao tuổi, hoặc đối tượng hiện tỷ lệ phủ vaccine vẫn thấp như trẻ em", BS Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù người đã được tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 có tỷ lệ chuyển biến nặng được hạn chế rất nhiều nhưng không phải là không có.
Do đó, người đã tiêm vaccine, thậm chí là mũi 3 cũng không được chủ quan với dịch bệnh. Người dân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch đang diễn biến nóng ở nhiều địa phương trên cả nước như hiện nay.
Minh Nhật/dantri.com.vn