Ukraine đã mở lại toàn bộ 3 cảng then chốt ở Biển Đen để đón tàu phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này, bất chấp Nga cảnh báo nhắm vào các tàu đi vào cảng của Ukraine.
Chiến sự Ukraine ngày 4/10
(Thông tin cập nhật) Chiến sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục có những diễn biến căng thẳng trên thực địa.
Politico: EU chuẩn bị kích hoạt đàm phán kết nạp Ukraine
Politico dẫn các nguồn thạo tin ngoại giao cho hay, lãnh đạo EU chuẩn bị "bật đèn xanh" để kích hoạt quá trình đàm phán nhằm kết nạp Ukraine từ tháng 12 tới.
Theo nguồn tin này, Ủy ban châu Âu sẽ phát hành một báo cáo đánh giá về mức độ đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập EU của Ukraine và một số ứng viên khác. Sau đó, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra một tuyên bố mà các nước thành viên khó có thể phản đối việc kích hoạt đàm phán.
Politico nhận định, vào thời điểm đó, Ukraine có thể chưa đáp ứng toàn bộ 7 kiến nghị mà EU đưa ra để đủ tiêu chuẩn gia nhập khối. Tuy nhiên, lãnh đạo EU có thể đưa ra một tín hiệu chính trị về việc sẵn sàng kết nạp Ukraine.
Mỹ muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga về vấn đề Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, ngay từ đầu cuộc xung đột Ukraine, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng để tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
"Ngay từ đầu, Tổng thống Biden đã đặt ra 2 mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất là đảm bảo chúng tôi có thể làm mọi thứ để hỗ trợ Ukraine, gắn kết các nước để cùng thực hiện điều này. Thứ hai là tránh xung đột trực tiếp với Nga bởi một cuộc xung đột như vậy là điều không ai muốn và cũng không hề tốt cho an ninh của người Mỹ".
Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/10 đã điện đàm với các nguyên thủ và ngoại trưởng các nước đồng minh của Mỹ để khẳng định lại cam kết Washington tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Theo Pravda, những người tham gia điện đàm gồm lãnh đạo Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, Ba Lan, Romania, Anh, Ngoại trưởng Pháp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng thư ký NATO.
Nhà Trắng cho hay, mục đích của cuộc điện đàm này là "phối hợp hỗ trợ liên tục cho Ukraine".
Động thái trên diễn ra giữa lúc có những lo ngại sau khi quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời trong đó loại gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.
"Phòng thủ đàn hồi" của Nga cản trở Ukraine phản công
Quân đội Nga đang sử dụng thành công chiến thuật "phòng thủ đàn hồi" để chống lại cuộc phản công của Ukraine, New York Times bình luận.
“Chiến thuật này liên quan đến việc quân Nga rút về tuyến phòng thủ thứ hai, cho phép quân Ukraine tiến lên, sau đó tấn công trở lại lúc đối phương dễ bị tổn thương khi di chuyển qua địa hình rộng mở hoặc khi tiến đến vị trí nhất định nào đó”, New York Times viết.
Do đó, thay vì giữ vững tuyến phòng thủ bằng mọi giá, quân Nga rút lui, sau đó giáng những đòn nặng nề vào lực lượng tấn công của Ukraine và giành lại quyền kiểm soát tuyến phòng thủ.
Ukraine mở lại toàn bộ cảng then chốt ở Biển Đen
Bloomberg cho biết, Ukraine đã mở lại toàn bộ 3 cảng then chốt ở Biển Đen để đón tàu phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này bất chấp Nga cảnh báo nhắm vào các tàu đi vào cảng của Ukraine.
Theo nguồn tin trên, 10 tàu đầu tiên đã sử dụng hành lang an toàn mà Ukraine thiết lập sau khi Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7.
Các công ty bảo hiểm quốc tế cũng nối lại dịch vụ bảo hiểm rủi ro cho các tàu ra vào cảng Ukraine. Theo thỏa thuận, tất cả các tàu di chuyển về cảng của Ukraine sẽ được kiểm tra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và chỉ được phép chở nông sản.
Ngoài ra, các tàu sử dụng hành lang mới này được giám sát 24/7 cho đến khi chúng rời khu vực nguy hiểm.
Báo Moscow Times của Nga cho hay, hành lang an toàn này có thể vận hành sau các cuộc tập kích liên tiếp gần đây của Ukraine nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga nhằm phá vỡ sự phong tỏa của hạm đội này đối với các cảng ở Ukraine.
“Về cơ bản, hạm đội của Nga đang bị khóa ở khu vực cảng Sevastopol, bán đảo Crimea, do vậy, tuyến đường vận tải ở tây bắc Biển Đen, dọc bờ biển Romania và Bulgaria trở nên an toàn hơn”, tờ báo viết.
Nga bắn hạ tên lửa "Thủy thần" của Ukraine gần Crimea
Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/10 tuyên bố các hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ một tên lửa chống hạm Neptune (Thủy thần) và một máy bay không người lái của Ukraine ngoài khơi bán đảo Crimea.
Gần đây, Ukraine liên tục tấn công vào các mục tiêu của Nga ở khu vực bán đảo Crimea. Kiev được cho là sử dụng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ. Đây là lần đầu tiên Nga xác nhận sự hiện diện của tên lửa Neptune trong một cuộc tập kích vào Crimea.
Neptune là tên lửa nội địa của Ukraine được biên chế quân đội vào tháng 3/2021. Loại tên lửa này được phát triển khá vội vã, trong bối cảnh lo ngại về an ninh sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, đây là một loại tên lửa hành trình chống hạm tốc độ cận âm, nặng gần 900kg có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tàu hải quân trong khoảng cách đến 300km.
Kiev từng tuyên bố tên lửa Neptune đã bắn chìm soái hạm Moska của Nga trên Biển Đen ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Châu Âu không còn vũ khí viện trợ cho Ukraine?
Báo Politico ngày 3/10 dẫn một nguồn tin châu ÂU cho biết các nước liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp cho Ukraine tất cả vũ khí họ có thể mà không làm ảnh hưởng đến khả năng quốc phòng của những quốc gia này.
“Chúng tôi không thể tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của mình. Cam kết hỗ trợ cho Kiev vẫn được giữ nguyên nhưng chúng tôi đã làm mọi thứ có thể", nguồn tin cho hay.
Một nguồn tin ngoại giao nói với Politico rằng cuộc khủng hoảng về ngân sách của EU có thể sẽ kéo theo những thay đổi khó lường đối với việc viện trợ cho Ukraine.
Mặc dù vậy, giới chức Mỹ và châu Âu đầu tuần này đều cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Các đồng minh cạn kiệt đạn dược viện trợ cho Ukraine
BBC đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw ngày 3/10, Đô đốc Hải quân Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO và là quan chức cấp cao của NATO, cảnh báo các quân đội phương Tây đang cạn kiệt đạn dược để viện trợ Ukraine.
"Tình trạng cạn đáy hiện giờ rất rõ ràng. Chúng ta cần tăng cường sản xuất với tốc độ cao hơn nữa, chúng ta cần sản xuất số lượng lớn”, ông Bauer nói.
Quan chức này nhấn mạnh: "Nền kinh tế vừa đủ, đúng lúc mà chúng ta cùng nhau xây dựng trong 30 năm ở nền kinh tế tự do của chúng ta sẽ ổn cho rất nhiều thứ, nhưng không ổn cho lực lượng vũ trang khi xung đột diễn ra".
Ông nói, các đồng minh đã tăng ngân sách trước khi xung đột bắt đầu, nhưng năng lực sản xuất không tăng, và điều đó dẫn đến giá cả cao hơn.
"Điều đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế chúng ta viện trợ cho Ukraine các hệ thống vũ khí và đạn dược, nhưng không phải từ các kho đầy đủ. Chúng tôi viện trợ khi các kho chỉ có một nửa hoặc chưa đến một nửa và bây giờ chúng đã cạn đáy”, ông Bauer cho hay.
Nguồn://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc