Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Các bước ngoặt định hình 2 năm chiến sự Nga - Ukraine

09:52, 26/02/2024

Không ai có thể quên ngày 24/2/2022 khi Nga bất ngờ tấn công Ukraine, khiến cả thế giới bàng hoàng, rúng động. Hai năm đã trôi qua với nhiều sắc thái nhưng cuộc chiến chưa đến hồi kết.

Các bước ngoặt định hình 2 năm chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự Ukraine bùng nổ: Thế giới rung chuyển

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine là hậu quả của những bất đồng giữa 2 nước trong suốt 30 năm qua, manh nha từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay và căng thẳng tăng dần sau khi xảy ra vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vào tháng 2/2014 và Nga sáp nhập bán đảo Crimea cùng năm.

Tiếp đó là những bất ổn ở khu vực Donbass, nơi có hai cộng hòa tự xưng là Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR).

Nằm trên lục địa Âu - Á, Ukraine là "vùng đệm tự nhiên" giữa Đông và Tây. Cả Nga và phương Tây đều cho rằng, bên kia là mối nguy cơ an ninh, đe dọa sự tồn tại của mình.

Tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng vào tháng 12/2021, Nga gửi đến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, trong đó nêu rõ những "lằn ranh đỏ" nhưng Mỹ và NATO không đáp ứng, khiến Moscow cho rằng, những đề nghị chính đáng của mình không được coi trọng.

Ngày 22/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố quyết định công nhận độc lập của hai cộng hòa tự xưng DPR và LPR, đồng thời điều quân đến đây để thực hiện "nhiệm vụ gìn giữ hòa bình".

Trước nguy cơ an ninh càng hiện hữu sau khi Kiev dự kiến ký kết một hiệp định quân sự chiến lược với Anh và Ba Lan, ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Putin tuyên bố mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở miền Đông Ukraine, nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai cộng hòa tự xưng. Ông kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí.

Ông Putin cho rằng, xung đột có thể tránh được nếu đảo chính ở Kiev lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tháng 2/2014 không diễn ra. Sau dấu mốc này, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass.

Ông Putin cáo buộc, phương Tây trực tiếp kiểm soát các thể chế của Kiev sau đảo chính. Ông cho rằng, chủ nghĩa tân phát xít đã xuất hiện tại Ukraine khiến Nga không còn lựa chọn nào khác là phải hành động.

Lực lượng Moscow tiến vào Ukraine từ nhiều hướng, mở đầu là các đơn vị đóng ở miền tây nước Nga. Nhiều đội hình cơ giới mở hướng tấn công từ lãnh thổ Belarus và bán đảo Crimea.

Quân đội Nga tuyên bố phá hủy 74 mục tiêu mặt đất trong đòn đánh mở màn, trong đó có 11 sân bay quân sự. Giao tranh diễn ra ở hầu khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Giữa tháng 3/2022, các lực lượng Nga với những đoàn xe tăng đông đảo, áp sát và bao vây thủ đô Kiev từ phía bắc, tây, và đông bắc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo nếu Nga cố chiếm Kiev, họ sẽ đối mặt với sự kháng cự đến cùng của các lực lượng nước này. 

Rõ ràng, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ là sự kiện gây chấn động thế giới nhất trong năm 2022 vì nó gây bất ổn sâu sắc về an ninh ở châu Âu và trên khắp thế giới, ảnh hưởng mạnh tới năng lượng, lương thực và nền kinh tế toàn cầu.

Các bước ngoặt định hình 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 1

Các hướng tấn công của Nga vào Ukraine năm 2022 (Ảnh: Washington Post).

Nga chủ động rút quân khỏi Kiev, hòa bình tưởng "đã trong tầm tay"

Hồi tháng 3/2022, giữa lúc chiến sự vẫn tiếp diễn căng thẳng, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã diễn ra.

Có lúc, thỏa thuận ngừng bắn như "đã trong tầm tay" và các bên sắp được thở phào nhẹ nhõm, nhưng cuối cùng chẳng có văn bản nào được ký kết, bất chấp việc Nga chủ động rút quân khỏi thủ đô Kiev nhằm tạo điều kiện cho hòa đàm.

Ngày 3/4/2022, theo thống đốc một số tỉnh miền bắc Ukraine, quân đội Nga đã rời đi và không còn kiểm soát bất kỳ thị trấn hay làng mạc nào. Quân đội Nga bỏ lại các phương tiện khi rút lui.

Nga tuyên bố điều chỉnh lại phương hướng hoạt động ở Ukraine, tập trung vào vùng Donbass, sau khi mở rộng trên nhiều mặt trận để kéo giãn lực lượng Ukraine.

Đàm phán bị đình trệ kể từ lần cuối cùng được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Kiev sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc đối phương rút lại các đề xuất ban đầu.

Cho đến nay, hai bên tiếp tục bất đồng về các điều khoản đi tới thỏa thuận hòa bình. Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ đồng thời đưa ra những điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình bao gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Nga mở rộng mục tiêu quân sự ra ngoài khu vực miền Đông Ukraine. Nhà ngoại giao khẳng định, các mục tiêu của Nga sẽ mở rộng hơn nữa nếu các đồng minh phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Và giao tranh vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay, tròn 2 năm kể từ khi xung đột bùng nổ.

Pháo đài Mariupol sụp đổ

Mariupol nằm ở Đông Nam Ukraine, bên bờ biển Azov, cách biên giới Nga hơn 50km. Đây là thành phố cảng quan trọng đối với việc nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Nếu giành quyền kiểm soát Mariupol, Nga có thể thiết lập một hành lang trên đất liền giữa Nga, khu vực Donbass và bán đảo Crimea, đồng thời kiểm soát hoàn toàn Biển Azov.

Sau nhiều tuần giao tranh, giữa vòng vây của quân đội Nga và lực lượng ly khai, nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố Mariupol trở thành "pháo đài cuối cùng" cho các đơn vị chiến đấu còn lại của Ukraine. Khu công nghiệp này có diện tích hơn 11km2 với nhiều tòa nhà, lò luyện kim, cùng một mê cung các con đường và hầm ngầm, được coi là cứ điểm phòng ngự lý tưởng.

Sự kháng cự dữ dội của vài trăm binh sĩ ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal rộng lớn của thành phố Mariupol đã ngăn chặn lực lượng Nga trong nhiều tuần. Các chỉ huy Ukraine cho biết sẽ không bao giờ đầu hàng.

Ngày 17/4/2022, Bộ Quốc phòng Nga cho biết có 400 lính đánh thuê nước ngoài cố thủ bên trong nhà máy luyện kim Azovstal cùng với binh sĩ Ukraine. Moscow kêu gọi nhóm quân này hạ vũ khí và đầu hàng nếu muốn giữ lấy mạng sống. Hạn chót được Nga đưa ra là 13 giờ cùng ngày.

Tuy nhiên, lực lượng Kiev phớt lờ tối hậu thư và tiếp tục chiến đấu.

"Lực lượng vũ trang của chúng tôi vẫn còn đó, những người lính vẫn ở đó. Họ sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng", Thủ tướng Ukraine Shmyhal tuyên bố sau khi hết hạn chót trên.

Nhưng việc gì sẽ đến rồi cũng phải đến.

Hơn một tháng sau, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 16/5/2022 xác nhận, các binh lính cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã "hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu được giao". Pháo đài chính thức sụp đổ.

Trong bài phát biểu trên video tối 16/5, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết: "Ngày thứ 82 của cuộc phòng thủ đã kết thúc. Một ngày khó khăn. Nhưng hôm nay, giống tất cả những ngày khác, là nhằm mục đích là cứu đất nước và nhân dân của chúng ta". Ông Zelensky cũng gọi những binh sĩ cố thủ ở Azovstal là "những người anh hùng".

Hơn 260 binh sĩ Ukraine, trong đó có 53 người bị thương nặng, được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal, tới các khu vực do Nga kiểm soát.

Nga gọi đó là "đầu hàng". Tính đến thời điểm này, Mariupol là thành phố lớn nhất của Ukraine mà các lực lượng Nga kiểm soát được và là một chiến thắng vô cùng cần thiết dù nơi đây chỉ còn là đống đổ nát.

Các bước ngoặt định hình 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 2

Pháo đài Azovstal của Ukraine tại thành phố Mariupol đã chính thức sụp đổ vào tháng 5/2022 (Ảnh: Reuters).

Ukraine bất ngờ phản công chớp nhoáng, Nga thất thế

Sau giai đoạn đầu vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, Nga rút quân khỏi miền bắc Ukraine, tập trung vào khu vực miền nam và vùng Donbass.

Các chiến dịch quân sự sau đó giúp Nga kiểm soát phần lớn vùng Donbass và dải đất nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014.

Tuy nhiên, cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng vào tháng 9/2022 khi Kiev bất ngờ mở chiến dịch phản công chớp nhoáng ở miền bắc.

Theo Reuters, Tư lệnh quân đội Ukraine khi đó là Valery Zaluzhny cho biết các lực lượng của họ đang tiếp tục tiến về phía nam và phía đông Kharkov, giành lại quyền kiểm soát hơn 3.000km2 lãnh thổ chỉ sau 5 ngày. Lực lượng Kiev tiến vào kiểm soát toàn bộ tỉnh này vào hôm 11/9. Tổng thống Zelensky ca ngợi những bước tiến chớp nhoáng ở Kharkov là một sự đột phá.

Trước đó, hôm 10/9, Moscow cho biết họ đã ra lệnh cho binh sĩ rời khỏi khu vực xung quanh thành phố Izium thuộc tỉnh Kharkov, để tăng cường các hoạt động quân sự tại những nơi khác ở Donetsk thuộc vùng Donbass.

Phía Ukraine đánh giá đây là một thất bại của Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt"..

Chuỗi khó khăn của Nga chưa dừng lại ở đó. 

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/11/2022 thông báo, quân đội Nga hoàn tất việc rút quân ra khỏi hữu ngạn sông Dnieper ở khu vực Kherson. Tất cả lực lượng và thiết bị của Nga được chuyển sang tả ngạn con sông.

Tướng Sergey Surovikin, chỉ huy lực lượng của Nga tại Ukraine khi đó cho biết, việc rút quân sẽ giúp bảo vệ tính mạng của người dân và các binh sĩ, vốn đang phải đối mặt với một cuộc phản công lớn của đối phương nhằm vào các kho đạn dược, trung tâm chỉ huy của Nga và cản trở tuyến đường tiếp tế.

Theo CNN, các lực lượng Nga rút khỏi 40% lãnh thổ Kherson, tuy nhiên họ vẫn nắm quyền kiểm soát 60% lãnh thổ, ở phía nam và phía đông Dnieper, trong đó có cả đường bờ biển dọc theo Biển Azov. 

Quyết định của Bộ Quốc phòng Nga vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng khách quan mà nói đây là "lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn" bởi nó giúp giữ được sinh mạng cho hàng nghìn binh sĩ đang chiến đấu ở một khu vực khi các tuyến đường tiếp tế chưa được đảm bảo.

Với những vùng lãnh thổ đã kiểm soát được, Nga tổ chức cái gọi là các cuộc "trưng cầu dân ý" tại bốn vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, đồng thời cho biết đa số cư dân đi bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập. Tuy nhiên, Ukraine và các nước phương Tây chỉ trích, cho rằng những cuộc trưng cầu dân ý mang tính ép buộc, không đại diện cho toàn bộ và vi phạm luật quốc tế.

Một ngày sau khi Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) thông qua luật về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cũng phê chuẩn hôm 4/10/2022. Sau đó, Tổng thống Nga Putin chủ trì lễ tuyên bố sáp nhập các vùng này.

Trong số 4 vùng nói trên, Nga chưa kiểm soát 100% bất kỳ vùng nào.

Đến thời điểm này, Nga thực sự chuyển sang thế phòng thủ chiến lược. Người ta nói nhiều về "phòng tuyến Surovikin", nhưng đúng ra đó là một "trận đồ Surovikin", vận hành trên nền tảng công nghệ vũ khí trang bị tiên tiến, kết hợp giữa bố trí các bãi mìn với những khu vực hỏa lực và điểm săn xe tăng. Nhờ đó mà họ đã chống chọi được chiến dịch phản công hoành tráng của Kiev sau này.

Các bước ngoặt định hình 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 3

Tháng 11/2022, Nga phải rút lực lượng khỏi Kherson về bên kia sông Dnieper (Ảnh: Telegram).

Chống phản công hiệu quả, Nga lật ngược thế cờ

Chiến thắng cuối năm 2022 mang lại cho Ukraine những cơ hội mới, được Mỹ và phương Tây ủng hộ, viện trợ ồ ạt, Kiev kỳ vọng sẽ tổ chức một chiến dịch tiếp theo vào mùa Xuân 2023 với nòng cốt là 9 lữ đoàn do NATO huấn luyện và trang bị. Các đơn vị này được mệnh danh là những "nắm đấm thép" có thể giúp xuyên thủng phòng tuyến kiên cố mà Moscow dày công xây dựng suốt nhiều tháng.

Hai bên đều "chơi bài ngửa", vì Ukraine liên tục tuyên bố về việc chuẩn bị cho chiến dịch. Kiev chắc chắn tấn công còn Moscow phải giáng trả.

Có điều, chưa rõ mặt trận chính ở đâu và giờ G sẽ là khi nào, chỉ biết, hai bên đều ra sức chuẩn bị đối đầu nảy lửa, có thể dẫn tới những bước đột phá lớn, mang tính bước ngoặt.

Đến khi Ukraine khai hỏa (ngày 4/6/2023), trận địa phòng ngự mà Nga có khoảng 9-10 tháng xây dựng đã rất vững chắc. Nhưng trước đó, một sự kiến lớn xảy ra giúp khích lệ tinh thần của các binh sĩ Nga khi họ đánh sập pháo đài Bakhmut, thành phố từng có hơn 70.000 dân, là đầu mối giao thông quan trọng kết nối đến Donbass, và từng là trung tâm hậu cần trọng yếu của lực lượng Kiev trong khu vực.

Chủ công trong trận này là các chiến binh thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Nga hạ quyết tâm đánh sập Bakhmut bằng mọi giá, còn Ukraine cũng quyết "tử thủ". Giao tranh khốc liệt đến mức cả hai bên giành giật từng ngôi nhà, từng góc phố.

Tới ngày 20/5, trận chiến mới cơ bản kết thúc, Sputnik đưa tin, trong một đoạn video phát trên Telegram, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner, tuyên bố: "Hôm nay, 20/5, lúc 12h trưa, Bakhmut đã hoàn toàn trong tầm kiểm soát của chúng tôi".

Đây được coi là một chiến thắng quan trọng của Moscow bất chấp việc phía Kiev phủ nhận thành phố thất thủ, mặc dù xác nhận tình hình ở đây đang rất nguy cấp.

Ngày 4/6, sau thời gian chờ đợi căng như dây đàn, Kiev tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn. Tuy nhiên, giữa lúc chiến sự diễn ra ác liệt, Ukraine không hề đưa ra tuyên bố chính thức nào về việc này.

Hướng tấn công chính là Zaporizhia, tại khu vực Orekhov, lực lượng Kiev đánh thẳng vào phòng tuyến vững chắc mà Moscow dành nhiều tháng để xây dựng. Cuối tháng 6, đầu tháng 7, cuộc tiến công của Kiev lên đến đỉnh điểm nhưng vẫn không chọc thủng được trận đồ của Nga.

Bất chất tổn thất nặng nề, Kiev vẫn không từ bỏ mục tiêu, tung tất cả những gì có trong tay vào tham chiến, tấn công thành từng đợt liên tục và liên tục nhằm khiến quân Nga mệt mỏi và căng thẳng liên tục. Quả thực, lực lượng Kiev khiến đối phương gặp bất lợi nhất định để rồi nhích lên dần dần.

Đã có thời điểm tưởng chừng như phòng tuyến của Nga có thể sụp đổ khi các đơn vị ở tiền tuyến tổn thất nặng nhưng không được tăng viện hoặc thay quân.

Lực lượng Ukraine xuyên qua được hàng răng rồng đầu tiên, truyền thông phương Tây kỳ vọng Kiev sẽ có thêm bước đột phá lớn hơn tới biển Azov, nhưng cuối cùng vẫn không thể tiến thêm được chút nào.

Vào ngày 25/8, Lữ đoàn tấn công đường không số 82 đã đạt được "bước đột phá lớn" với sự giúp đỡ của các đơn vị khác, chiếm được làng Rabotino. Thắng lợi này chính là "quả ngọt" thực sự đầu tiên và cũng là duy nhất mà Kiev giành được trong chiến dịch phản công.

Hai Quân đoàn 9 và 10 dự bị chiến lược đã đưa hết các lực lượng vào chiến đấu, nhưng kết quả chỉ là dừng bước ở làng Rabotino. Chiến dịch phản công của Ukraine đã kết thúc trong âm thầm mà không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ Kiev.

Cuối tháng 11/2023, phía Nga tuyên bố chiến dịch phản công Ukraine đã chấm dứt sau tổn thất rất lớn. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 1/12 cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine mất hơn 125.000 binh sĩ và 16.000 đơn vị vũ khí sau 6 tháng phản công. 

Phía Nga đánh giá đây là thất bại, trong khi phương Tây nói phản công bị đình trệ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận Ukraine không đạt được bước tiến đáng kể nào trên chiến trường.

Chiến dịch phản công của Ukraine không đạt kỳ vọng, các "nắm đấm thép" tổn thất nặng trong khi Nga chẳng những chống lại hiệu quả mà còn tích lũy được lực lượng mạnh hơn rất nhiều để tiến hành các đợt tấn công tuy không lớn nhưng diễn ra trên hầu hết các mặt trận.

Lực lượng sứt mẻ của Kiev phải căng ra chống đỡ, vá được chỗ nọ lại thủng chỗ kia, cộng thêm với viện trợ nước ngoài bất ngờ sụt giảm mạnh khiến họ rơi vào thế bị động, không đủ khả năng giữ vững thành quả của chiến dịch phản công.

Thời cơ đến, Nga đồng loạt tấn công ở nhiều nơi. Ngày 25/12/2023, Bộ trưởng Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin rằng "đã kiểm soát hoàn toàn Marinka". Đây được coi là thắng lợi lớn thứ hai trong năm nay của Moscow, sau khi giành được Bakhmut hồi tháng 5.

Tiếp đó, hôm 17/2, Ukraine quyết định rút lui khỏi Avdiivka, nhường quyền kiểm soát cho Nga. Đây được coi là chiến thắng lớn đầu tiên trong năm 2024 của Moscow. Thừa thắng xông lên, lực lượng Nga tiếp tục tấn công trên nhiều mặt trận, đẩy lùi đối phương. Giao tranh đang diễn ra hết sức căng thẳng, nhưng thế chủ động nằm trong tay Nga với nguồn lực không hạn chế.

Các chuyên gia dự báo, nếu Kiev không nhận được viện trợ quy mô lớn từ Mỹ, rất có thể phòng tuyến sẽ sụp đổ hàng loạt.

Trong tuyên bố mới nhất, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak nói, Ukraine có nguy cơ thua trong xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ không chấp thuận việc tiếp tục viện trợ cho Kiev.

Tất nhiên, Nga đang thúc đẩy quá trình này đi nhanh hơn, tiến hành phản công trên nhiều mặt trận mới như: Kupyansk, Rabotino, Ugledar hay Chasov Yar…

Các bước ngoặt định hình 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 4

Nga giành chiến thắng ở Bakhmut tháng 5/2023 với lực lượng chủ công là Wagner (Ảnh: Prigozhin's Press Service/Telegram).

Những vấn đề đáng lưu ý

Mặc dù Nga lấy lại được thế thượng phong trên hầu khắp các mặt trận và đẩy đối phương vào thế phòng ngự chiến lược, nhưng vẫn còn đó những điểm "tối".

Thứ nhất, giữa lúc Ukraine phản công ào ạt và không lâu sau chiến thắng Bakhmut, nước Nga lại rung chuyển khi tập đoàn quân sự tư nhân Wagner do Evgeny Prigozhin lãnh đạo phát động nổi loạn vào ngày 23/6/2023, bắt đầu "hành quân vì công lý" với kế hoạch tiến đến Moscow.

Tuy nhiên, họ thất bại trong việc tập hợp các đơn vị khác và cuối cùng phải hủy bỏ "hành quân vì công lý" tới Moscow trong vỏn vẹn 1 ngày, sau khi đạt được thỏa thuận với chính quyền.

Thứ hai, ngày 23/8/2023, một vụ tai nạn đã xảy ra khiến một chiếc máy bay tư nhân ở vùng Tver, khiến cả 3 thành viên phi hành đoàn và 7 hành khách trên máy bay thiệt mạng. Ủy ban Điều tra Nga công bố kết quả xét nghiệm di truyền, xác nhận danh tính của 10 người chết, trong đó có cả ông trùm Prigozhin.

Cả hai sự kiện trên khiến nước Nga rúng động.

Thứ ba, "Kiev vẫn đạt được thành tựu lớn, như tấn công các cơ sở quân sự của Moscow ở sâu phía sau tiền tuyến, phá hủy máy bay và trực thăng của Moscow. Và dù không có hạm đội, Ukraine vẫn có thể buộc Nga phải di chuyển các tàu trên Hạm đội Biển Đen tới Novorossiysk, giúp khai thông hành lang ngũ cốc ở Biển Đen... Đây là một thành tựu to lớn", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Bên cạnh xuồng không người lái cảm tử chứng tỏ được sự nguy hiểm đối với các tàu chiến Nga thì Ukraine cũng khai thác tối đa uy lực của tên lửa hành trình tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công các mục tiêu trên đất liền ở bán đảo Crimea.

Thứ tư, Ukraine sử dụng UAV một cách hiệu quả, không những tấn công vào các căn cứ quân sự ở sâu trong lãnh thổ Nga, gây thiệt hại đáng kể mà họ còn được cho là còn tập kích cả vào Điện Kremlin và thủ đô Moscow. Điều đó cho thấy lưới lửa canh trời của Nga dù rất hiện đại và dày đặc những vẫn có điểm yếu nhất định.

UAV cỡ nhỏ đang "làm mưa làm gió" trên chiến trường với số lượng lớn đến mức có thể được dùng để tấn công từng người lính Nga đơn lẻ chứ không còn phải dè sẻn để tập kích từng nhóm binh sĩ đối phương. Tổn thất về nhân lực của Moscow do loại vũ khí này là không nhỏ.

Thứ năm, phòng không Ukraine gượng dậy, giáng trả những đòn quyết liệt.

Mặc dù Nga có ưu thế vượt trội về không quân, tên lửa hành trình - đạn đạo nhưng họ không thể hoàn toàn khống chế bầu trời, thậm chí nhiều lần máy bay của họ bị tên lửa Ukraine phục kích bắn rơi số lượng lớn. Mỹ và phương Tây đang tiếp tục viện trợ cho Kiev nhiều tổ hợp phòng không hiện đại, nhờ đó gây nhiều tổn thất cho đối phương.

Kiev tuyên bố, chỉ trong 1 tuần qua, họ bắn hạ tới 7 máy bay chiến đấu Nga gồm 6 Su-34 và 1 Su-35S. Tổng thống Zelensky, trong bài phát biểu tối 21/2, bày tỏ lời cảm ơn lực lượng không quân do bắn rơi 7 máy bay chiến đấu Nga trong một tuần.

Ông Zelensky nói: "Trước hết, tôi muốn cảm ơn Lực lượng Không quân của chúng tôi, tất cả những người bảo vệ bầu trời, bắn hạ 7 máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga trong một tuần. Tôi cảm ơn các bạn, những người lính của chúng tôi, vì sự chính xác của các bạn".

Đến thời điểm này, mặc dù số liệu tổn thất hay thương vong của đối phương do các bên công bố có nhiều mâu thuẫn, nhưng dù sao nó vẫn đáng để tham khảo.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine công bố thiệt hại mới nhất của Nga tính đến 22/2: Quân nhân: 407.240 người (+1.160 người), Xe tăng: 6.523 (+7 chiếc bị phá hủy trong ngày qua), Xe chiến đấu bọc thép: 12.373 (+35), Hệ thống pháo binh: 9.867 (+41), Pháo phản lực: 997 (+5), Hệ thống phòng không: 680 (+2), Máy bay: 339 (+1), Trực thăng: 325 (+0), Máy bay không người lái: 7.596 (+36), Tên lửa hành trình: 1.903 (+0), Tàu (thuyền): 25 (+0), Tàu ngầm: 1 (+0), Ô tô và xe bồn: 12.924 (+63), Thiết bị quân sự đặc chủng: 1.566 (+8).

Bộ Quốc phòng Nga công bố thiệt hại mới nhất của Ukraine tính đến 22/2: 572 máy bay và 266 trực thăng, 13.137 UAV, 473 hệ thống tên lửa phòng không, 15.171 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.223 phương tiện chiến đấu được trang bị pháo phản lực phóng loạt, 8.138 pháo dã chiến và súng cối và 18.950 phương tiện quân sự đặc chủng. Phía Nga từ lâu không công bố tổng số thương vong cộng dồn của Ukraine trong báo cáo hàng ngày.

Tóm lại, lợi thế đang nghiêng dần về phía Moscow nhưng xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, vẫn tiếp diễn phức tạp và khó đoán định.

Nguồn://dantri.com.vn

Dan tri

Ý kiến bạn đọc