Hiện một biến thể nguy hiểm của virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở ít nhất 6 quốc gia châu Phi, khiến WHO cũng như các cơ quan y tế lục địa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục cảnh giác và phối hợp chặt chẽ để đối phó với tình trạng khẩn cấp này.
“Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược” của WHO nhằm mục đích ngăn chặn sự lây truyền virút đậu mùa khỉ từ người sang người thông qua các nỗ lực phối hợp toàn cầu, khu vực và quốc gia. Kế hoạch dự kiến được triển khai thực hiện từ tháng 9 năm nay đến tháng 2/2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. Kế hoạch này dựa trên các khuyến nghị do Tổng giám đốc WHO đưa ra, tập trung vào việc thực hiện các chiến lược giám sát, phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó mạnh mẽ.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Rõ ràng là một phản ứng quốc tế phối hợp là cần thiết để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh và cứu sống thêm nhiều sinh mạng. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm là mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế."
Trọng tâm của kế hoạch bao gồm thúc đẩy nghiên cứu cũng như đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vắc-xin phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Cụ thể, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.
Hiện virus đậu mùa khỉ đang lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng với sự xuất hiện của một biến thể mới- biến thể 1b gây quan ngại toàn cầu do có khả năng dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần. Các trường hợp nhiễm biến thể 1b không chỉ được ghi nhận tại châu Phi mà còn lan sang nhiều khu vực khác. Các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Thái Lan đều đang tích cực thực hiện các biện pháp giám sát và sàng lọc tại các điểm nhập cảnh để ngăn chặn sự lây lan.
Ông Martin Taylor - đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phòng ngừa đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu: "Virus đậu mùa khỉ khác với virus gây đại dịch Covid-19, cách lây truyền là khác nhau. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến ở Cộng hòa Dân chủ Congo và một số quốc gia láng giềng, thì có nguy cơ lây lan trên toàn cầu và nguy cơ lây lan này là đáng lo ngại. Và đó là lý do tại sao tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được ban bố để chúng ta có thể tập trung vào hai điểm chính. Đầu tiên là cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho các quốc gia bị ảnh hưởng để họ có thể ngăn chặn sự lây truyền, nhưng cũng là để cảnh báo các quốc gia khác rằng họ cần phải sẵn sàng vì có khả năng xảy ra các trường hợp virus xâm nhập từ bên ngoài vào.”
Trong khi thế giới vẫn đang tiếp tục chạy đua tìm kiếm các loại vắc-xin phòng ngừa đậu mùa khỉ hiệu quả, các cơ quan viện trợ và tổ chức phi chính phủ tại các khu vực bùng phát dịch bệnh đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc truyền bá kiến thức và nguồn lực quan trọng đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cảnh báo số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tăng cao, khả năng chẩn đoán hạn chế và tỷ lệ tử vong cao của căn bệnh này là những thách thức cấp bách đang cản trở các nỗ lực ứng phó của châu Phi. Trung tâm này cho biết, một số lô vắc-xin phòng đậu mùa khỉ được tài trợ dự kiến sẽ đến châu lục này trong tuần tới. Cơ quan này ước tính châu Phi cần khoảng 10 triệu liều vắc-xin phòng bệnh. Nhằm đẩy nhanh việc đưa vắc-xin đến châu Phi, WHO vừa thông báo, các đối tác của tổ chức như Liên minh vắc-xin (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vắc-xin đậu mùa khỉ trước khi vắc-xin này được WHO cấp phép. WHO đã yêu cầu các nhà sản xuất vắc-xin gửi thông tin để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp giấy phép khẩn cấp vào giữa tháng 9.
Nguồn Phương Anh/VOV1
Ý kiến bạn đọc