Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024

16:48, 07/10/2024

(Chinhphu.vn) - Chiều 7/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024.

0:00

07/10/2024  15:15

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024- Ảnh 1.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 - Ảnh VGP

Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ dành thời gian thông tin về nội dung Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024 diễn ra sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính bàn về tình hình KTXH 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2024 và thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết:

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều bất định và thiếu vững chắc. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại; đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản tại các địa phương phía Bắc.

Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, tình hình KTXH tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vựcnổi bật là:

(1) Tăng trưởng được thúc đẩy; tính chung 9 tháng, GDP tăng 6,82%. Trong đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.

(2) Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

(3) Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; Nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.

(4) Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Số lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43,0%.

(5) Tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 116,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

(6) Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 6,8%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% và cao nhất trong nhiều năm qua.

(7) Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; trong 9 tháng có 183 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

(8) Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193.

(9) Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133.

(10) Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân của lao động 9 tháng đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

(11) Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, đã huy động gần 3,4 nghìn tỷ đồng và Chính phủ đã cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

(12) Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước. 

Trên cở sở đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024- Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 - Ảnh VGP

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 12 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể trên các lĩnh vực và 5 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết thời gian tới. Trong đó, 12 nhóm giải pháp trong tâm, cụ thể bao gồm:

(1) Tập trung khắc phục hậu quả, phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống Nhân dân, thúc đẩy phục hồi SXKD. Trong đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 143 của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Chuẩn bị kĩ, bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, Đề án tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với tinh thần chủ động thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc, tạo đồng thuận cao.

(3) Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 khoảng trên 7%.

(4) Đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 CTMTQG; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng.

(5) Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mớiTrong đó, về đầu tư tập trung giải ngân vốn đầu tư công; về xuất khẩu tập trung đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; về tiêu dùng tập trung tăng tổng cầu.

(6) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia.

(7) Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó lưu ý chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

(8) Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, nâng cao đời sống Nhân dân.

Thực hiện hiệu quả, thực chất Phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Xử lý quyết liệt, hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế.  các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp… Lắng nghe các ý kiến, khuyến nghị của người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời.

(9) Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao.

(10) Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.

(11) Khẩn trương trình UBTVQH về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2026 và chi đầu tư NSNN 2026 2030. Trong đó lưu ý ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối liên vùng, quốc gia, quốc tế và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

(12) Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

05 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là:

(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, trong đó làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao…).

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; không điều hành "giật cục".

(2) Không để thiếu điện, xăng dầu, điện, nước, vật tư y tế, hàng hóa thiết yếu, vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

(3) Phối hợp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ các Luật, Nghị quyết trình Quốc hội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, phục vụ kiến tạo phát triển.

(4) Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bão số 3. Thúc đẩy gói tín dụng 140 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thực hiện hiệu quả, thực chất phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.

(5) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. 

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trả lời về các giải pháp đối với thị trường bất động sản - Ảnh VGP

PV Văn Kiên (Báo Tiền Phong): Hiện nay giá nhà ở Thành phố lớn đang rất cao, có dấu hiệu ảo cho dù thị trường chưa thực sự sôi động. Xin hỏi, giải pháp nào để đưa bất động sản về đúng giá trị, tránh bong bóng và để những người có nhu cầu thực có thể mua được?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng:

Ba nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá bất động sản cao, đột biến thời gian qua, bao gồm:

Thứ nhất, do nguồn cầu lớn hơn nguồn cung quá nhiều.

Thứ hai, thị trường bất động sản có tình trạng đẩy giá, thổi giá. Điển hình, thời gần đây báo chí cũng đã phản ánh tình trạng một số địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất, bị người mua đẩy giá đất cao lên rồi bỏ cọc.

Thứ ba, đó là chi phí đầu tư, đầu vào của bất động sản bị tăng cao, từ chi phí đầu tư xây dựng, sử dụng đất.

Để giải quyết 3 nguyên nhân trên, về xử lý hành vi thao túng thị trường, thổi giá, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai, và đặc biệt Luật Kinh doanh bất động sản 2023… đã có quy định rất rõ ràng.

Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bất động sản, cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá trong kinh doanh bất động sản, như tại Điều 8, trong đó bao gồm việc giả mạo tài liệu, có ý làm sai lệch thông tin (nhằm tăng giá trị của bất động sản không minh bạch); không công khai thông tin về bất động sản; gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh BĐS (làm nhiễu loạn thị trường); Điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS (Điều 9); Trách nhiệm về việc cung cấp thông tin (Điều 56, Điều 62…); Hoạt động môi giới BĐS (Điều 61 – 65).

Tóm lại, Luật Kinh doanh bất động sản đã đề ra những điều khoản rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát các hành vi thổi giá và lũng đoạn thị trường bất động sản.

Vừa qua, để kịp thời chấn chỉnh hiện trạng đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 5333/BXD-QLN ngày 18/9/2024 về việc "phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản" gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 5155/BXD-QLN ngày 06/9/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp bao gồm:

1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).

3. Đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất… nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường (nhằm cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn đặc biệt như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

4. Các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản được phê duyệt, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật, nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

5. Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý" nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua.

6. Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Tiếp tục cập nhật...

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ


Ý kiến bạn đọc


Video xem nhiều nhất