Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Người Ấn Độ: Virus nuốt chửng con người, chúng tôi như ở giữa chiến trường

15:08, 26/04/2021

 

Người Ấn Độ: Virus nuốt chửng con người, chúng tôi như ở giữa chiến trường - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều bệnh nhân Covid-19 chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác vì bị bệnh viện từ chối tiếp nhận (Ảnh: Getty).

Tình trạng cạn kiệt nguồn cung ôxy, khiến gia đình các bệnh nhân Covid-19 phải chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện kia với hy vọng giành giật sự sống cho người thân của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sau tất cả những nỗ lực chỉ là cảnh tang tóc, đau thương.

Trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi hỗ trợ ôxy từ các nguồn bên ngoài bệnh viện hoặc than khóc người thân vừa qua đời trên đường phố khi vì phải chờ điều trị. Một người phụ nữ than khóc cho người em trai xấu số khoảng 50 tuổi của mình. Người đàn ông này đã bị hai bệnh viện từ chối và trút hơi thở cuối cùng khi đang chờ để được điều trị ở bệnh viện thứ 3 vì thiếu ôxy.

Ấn Độ đã nhanh chóng "thất thủ" trong làn sóng Covid-19 thứ ba. Trong 4 ngày qua, số ca mắc Covid-19 của nước này liên tiếp lập kỷ lục quanh mốc 350.000 ca/ngày.

Người Ấn Độ: Virus nuốt chửng con người, chúng tôi như ở giữa chiến trường - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Hỏa thiêu tập thể bệnh nhân Covid-19 tử vong ở New Delhi (Ảnh: AP).

Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ có thể thấy rõ nhất qua thực trạng ở các bệnh viện và các nhà hỏa thiêu. Trong khi các bệnh viện quá tải, không đủ giường cũng như trang thiết bị y tế, thuốc men để tiếp nhận bệnh nhân, các lò hỏa thiêu cũng chồng chất các thi thể, các nghĩa trang ở New Delhi sắp không còn chỗ trống.

Ở nghĩa trang Bhadbhada Vishram Ghat của thành phố, các công nhân cho biết họ hỏa thiêu hơn 110 người chỉ riêng trong ngày 24/4, mặc dù số liệu của chính phủ nói rằng hôm đó chỉ có 10 người tử vong vì Covid-19 trong thành phố.

"Virus này giống như quái vật nuốt chửng người dân của thành phố… Cảm giác như chúng tôi đang ở giữa chiến trường", Mamtesh Sharma, một quản lý tại nhà hỏa táng cho biết. Thi thể chuyển về nhà hỏa táng này với số lượng nhiều chưa từng có khiến họ buộc phải bỏ qua các nghi thức truyền thống.

Mohammad Shameem, một người đào huyệt tại nghĩa trang Hồi giáo lớn nhất New Delhi, cho hay hiện giờ số thi thể chuyển đến nhiều hơn cả năm ngoái.
Để chiến đấu với tử thần, giờ đây cả bệnh viện và bệnh nhân tìm cách mua các trang thiết bị y tế thiếu hụt thông qua thị trường chợ đen. Tình cảnh hiện nay trái ngược với tuyên bố hồi tháng 1 năm nay của Thủ tướng Narendra Modi rằng Ấn Độ đã chiến thắng Covid-19 và thể hiện Ấn Độ là "tủ thuốc của thế giới" với ngành sản xuất vắc xin.

Người Ấn Độ: Virus nuốt chửng con người, chúng tôi như ở giữa chiến trường - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tâm lý chủ quan là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ nhanh chóng thất thủ trước làn sóng Covid-19 mới. (Ảnh: Getty).

Các chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ đã có cả một năm dài chuẩn bị để đối phó, ngăn chặn làn sóng Covid-19, nhưng Ấn Độ đã không làm.

Tiến sĩ Krutika Kuppalli, Phó giáo sư dược tại Đại học Dược South Carolina, nhận định lẽ ra chính phủ Ấn Độ nên tận dụng năm qua khi dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát để tích trữ thuốc men, củng cố hệ thống y tế để sẵn sàng đối phó làn sóng dịch bệnh mới. "Quan trọng nhất, lẽ ra họ nên nhìn sang thực trạng của các nơi khác trên thế giới và nhận thức được rằng sớm hay muộn họ cũng sẽ phải đối mặt với kịch bản tương tự", ông Kuppalli nói.

Ngược lại, việc tuyên bố thắng lợi quá sớm khiến người dân dễ có tâm lý chủ quan phòng dịch trong khi lẽ ra họ phải tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.

Minh Phương/dantri.com.vn