Indonesia có số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong tuần qua. Nhiều bệnh viện ở Java và các khu vực khác ở Indonesia rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân và cạn kiệt ôxy.
Ngày 8/7, Indonesia ghi nhận mức tăng kỷ lục 38.391 ca Covid-19 mới, gần với mốc 40.000-50.000 ca mà chính phủ nước này mô tả là "kịch bản tồi tệ nhất". Cùng ngày, số ca tử vong tại Indonesia cũng tăng thêm 852 trường hợp.
Ngày 7/7, Indonesia ghi nhận 1.040 ca tử vong vì Covid-19, cao gấp đôi so với 6 ngày trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên Indonesia vượt mốc 1.000 ca tử vong/ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này vào năm ngoái.
Trong khi đó, Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) cho biết, các bệnh viện vẫn chưa nhận được các khoản kinh phí từ chính phủ cho việc điều trị Covid-19. IDI yêu cầu chính phủ Indonesia ngay lập tức giải quyết vấn đề này.
Chủ tịch IDI Slamet Budiarto cảnh báo các bệnh nhân đang tử vong vì không được điều trị Covid-19, trong bối cảnh các bệnh viện thiếu kinh phí để vận hành.
"Tình hình giống như vùng chiến sự, nhưng chính phủ vẫn coi đó là chuyện bình thường. Kinh phí hàng nghìn tỷ rupiah cho việc điều trị Covid-19 vẫn chưa được thanh toán", chủ tịch IDI cho biết hôm 5/7.
Trước đó, một bệnh viện ở Trung Java cho biết cơ sở này không có đủ tiền để mua máy thở mới điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vì các vấn đề về tài chính xuất phát từ việc chính phủ không thanh toán kinh phí điều trị Covid-19 kể từ tháng 10/2020.
Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện Indonesia (PERSI) Lia Gardenia Partakusuma yêu cầu chính phủ phải thanh toán cho nhân viên y tế các khoản hỗ trợ tài chính hàng tháng mà họ xứng đáng được hưởng, do số lượng bệnh nhân quá tải đã gây áp lực lớn lên sức khỏe tinh thần và thể chất của các nhân viên y tế.
Theo dữ liệu do PERSI phối hợp với IDI, Hiệp hội Y tá Indonesia (PPNI) và các hiệp hội y tế khác công bố, ít nhất 1.031 nhân viên y tế đã tử vong tại Indonesia kể từ khi đại dịch bùng phát. Các bác sĩ ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 405 người, tiếp theo là y tá với 328 người và hộ sinh với 160 người.
"Chúng tôi đã đề nghị Tổng thống đặc biệt lưu ý vì chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp. Đây là thời điểm quan trọng đối với chúng tôi", Tổng thư ký PERSI Lia nói.
Chủ tịch IDI Slamet đề nghị chính phủ Indonesia xem xét cho nhân viên y tế tiêm liều thứ 3 vắc xin Covid-19 để có thể bảo vệ họ tốt hơn trước Covid-19.
"Nếu họ bị bệnh, họ sẽ không thể điều trị cho bệnh nhân", chủ tịch IDI cho biết.
Số ca nhiễm tăng đột biến trong những ngày gần đây đã đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống y tế vốn đã mong manh của Indonesia. Các bệnh viện tại nước này đứng trước nguy cơ "vỡ trận", khi các nhân viên y tế làm việc kiệt sức để điều trị số bệnh nhân quá tải.
Nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân do không còn giường và ôxy y tế. Chính phủ đã tính đến phương án điều trị từ xa đối với các ca bệnh nhẹ để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế.
Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Tính đến nay, nước này ghi nhận hơn 63.700 ca tử vong và hơn 2,4 triệu ca mắc Covid-19.
Indonesia đang chuẩn bị mọi nguồn lực để đối phó với kịch bản "tồi tệ nhất" khi số ca nhiễm mới được dự đoán có thể lên tới 70.000 người/ngày. Chính quyền Indonesia đã lên kế hoạch nhập khẩu ôxy y tế để đảm bảo nguồn cung trong tình huống khẩn cấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Indonesia được cho là do biến thể Delta. Biến thể này xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và đã lan ra hơn 100 quốc gia.
Thành Đạt/dantri.com.vn