Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Mỹ rót hàng tỷ USD vào Afghanistan, Taliban "bỗng nhiên" hưởng lợi

16:06, 17/08/2021

.

Mỹ rót hàng tỷ USD vào Afghanistan, Taliban bỗng nhiên hưởng lợi - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Binh lính Mỹ tại Afghanistan năm 2011 (Ảnh: Reuters).

Được Mỹ xây dựng và đào tạo trong suốt 2 thập niên với chi phí 83 tỷ USD, lực lượng quân sự Afghanistan đã sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn, thậm chí trong một số trường hợp không kịp bắn một phát súng nào.

Người hưởng lợi cuối cùng từ khoản đầu tư của Mỹ rốt cuộc lại là lực lượng Taliban. Taliban không chỉ giành lấy quyền lực chính trị mà còn cả vũ khí của Mỹ ở Afghanistan, từ súng ống, đạn dược, trực thăng và nhiều thứ khác.

Taliban đã chiếm được một loạt thiết bị quân sự hiện đại khi họ khống chế được lực lượng quân sự Afghanistan. Taliban còn giành được những "chiến lợi phẩm" lớn hơn, bao gồm cả máy bay chiến đấu, khi tấn công các thủ phủ cấp tỉnh và căn cứ quân sự với tốc độ đáng kinh ngạc. Thắng lợi lớn nhất của Taliban là chiếm được thủ đô Kabul vào cuối tuần qua.

Mạng xã hội của Taliban tràn ngập các đoạn video ghi lại hình ảnh các tay súng thu giữ hàng loạt kho vũ khí lớn - hầu hết do phương Tây cung cấp. Các chiến binh Taliban lái những chiếc xe quân sự chất đầy vũ khí hạng nặng có lắp pháo.

Một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 16/8 đã xác nhận việc Taliban đột nhiên sở hữu các thiết bị quân sự của Afghanistan do Mỹ cung cấp với số lượng rất lớn. Quan chức này cho rằng đây là một hậu quả "đáng xấu hổ" của lực lượng quân đội và tình báo Mỹ khi đánh giá sai khả năng chiến đấu của các lực lượng quân sự Afghanistan. Thậm chí trong một số trường hợp, các lực lượng quân sự Afghanistan sẵn sàng đầu hàng, giao nộp vũ khí và phương tiện quân sự thay vì chiến đấu với Taliban.

Sự thất bại của Mỹ trong việc xây dựng một lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan vững mạnh và lý do dẫn đến sự sụp đổ của các lực lượng này sẽ được các nhà phân tích quân sự nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên, kịch bản ở Afghanistan cũng không khác những gì đã xảy ra ở Iraq. Các lực lượng quân sự địa phương hóa ra rỗng tuếch, dù được trang bị vũ khí tối tân nhưng phần lớn đều thiếu một yếu tố quan trọng là động lực chiến đấu.

"Tiền không thể mua được ý chí, không thể mua được khả năng lãnh đạo", John Kirby, người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, cho biết.

Doug Lute, trung tướng lục quân Mỹ nghỉ hưu và là người giúp chỉ đạo chiến lược chiến tranh Afghanistan dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, cho rằng những gì người Afghanistan nhận được chỉ là nguồn lực hữu hình, còn thứ họ thiếu lại là nguồn lực quan trọng hơn - nguồn lực vô hình.

"Nguyên tắc của chiến tranh là yếu tố tinh thần sẽ chi phối yếu tố vật chất. Tinh thần, kỷ luật, năng lực lãnh đạo, sự gắn kết của lực lượng mang tính quyết định nhiều hơn số lượng binh sĩ và trang thiết bị. Là những người nước ngoài ở Afghanistan, chúng ta chỉ có thể cung cấp vật chất, và chỉ người Afghanistan mới có yếu tố tinh thần vô hình", tướng Mỹ nhận định.

Ngược lại, lực lượng vũ trang Taliban, với số lượng chiến binh ít hơn, vũ khí lạc hậu hơn và không có sức mạnh không quân, nhưng đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội. Trong chiến dịch mới nhất, chỉ trong vài ngày, Taliban đã tấn công ồ ạt vào các vị trí chiến lược và giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan, khiến chính phủ Afghanistan mất các thành phố quan trọng và đỉnh điểm là khi Taliban chiếm được dinh tổng thống ở thủ đô Kabul.

Mỹ rót hàng tỷ USD vào Afghanistan, Taliban bỗng nhiên hưởng lợi - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Taliban đã chiếm được một loạt thiết bị quân sự hiện đại, bao gồm cả các phương tiện quân sự, khi tấn công các lực lượng Afghanistan (Ảnh: EPA).

Cơ quan tình báo Mỹ phần lớn đánh giá thấp sức mạnh của Taliban. Ngay cả sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4, cơ quan tình báo Mỹ vẫn không lường trước được một cuộc tấn công cuối cùng của Taliban lại thành công ngoạn mục đến như vậy.

Stephen Biddle, giáo sư về các vấn đề quốc tế và cộng đồng tại Đại học Columbia và là cựu cố vấn cho các chỉ huy của Mỹ ở Afghanistan, nhận định tuyên bố rút quân của Tổng thống Biden đã đánh dấu sự sụp đổ cuối cùng của Mỹ tại Afghanistan.

Theo ông Biddle, từ trước tháng 4, quân đội chính phủ Afghanistan đã bắt đầu thua trận. Khi nhận ra rằng đối tác Mỹ sẽ rút quân về nước, tâm lý bỏ cuộc lan như "cháy rừng" trong quân đội Afghanistan. Chris Miller, cựu Bộ trưởng Quốc phòng vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, cho rằng việc Mỹ rút dần lực lượng quân sự tại Afghanistan đã gửi một tín hiệu cho quân đội Afghanistan rằng "họ đang bị bỏ rơi".

Tuy nhiên, thất bại của Mỹ ở Afghanistan có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Ngay cả khi đang phải chiến đấu với Taliban, Mỹ vẫn cố gắng phát triển năng lực quốc phòng đáng tin cậy cho Afghanistan, từ đó mở rộng nền tảng chính trị ở thủ đô Kabul và tìm cách thiết lập nền dân chủ ở Afghanistan. Hết năm này qua năm khác, các lãnh đạo quân sự của Mỹ tin rằng họ sẽ thành công ở Afghanistan.

Theo Văn phòng Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan, một cơ quan giám sát do Quốc hội Mỹ thành lập để theo dõi cuộc chiến từ năm 2008, trong số khoảng 145 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã chi để tái thiết Afghanistan, khoảng 83 tỷ USD được sử dụng cho việc phát triển và duy trì lực lượng quân đội và cảnh sát. Số tiền 145 tỷ USD này nằm ngoài 837 tỷ USD mà Mỹ đã chi cho cuộc chiến tại Afghanistan, bắt đầu từ tháng 10/2001.

Việc xây dựng lực lượng quân sự Afghanistan phụ thuộc vào Mỹ nhiều đến mức, Lầu Năm Góc thậm chí còn trả lương cho quân đội Afghanistan.

"Chúng tôi đã cung cấp cho các đối tác Afghanistan tất cả mọi công cụ - để tôi nhấn mạnh lại: Mọi công cụ", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi lý giải quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và để các lực lượng trong nội bộ Afghanistan tự quyết định "số phận".

Trong cuốn sách của mình, The Afghanistan Papers, nhà báo Craig Whitlock đã viết rằng các chuyên gia huấn luyện quân sự người Mỹ đã cố gắng ép các tân binh Afghanistan phải học theo các phương pháp của phương Tây, nhưng họ không suy nghĩ về việc liệu những người đóng thuế ở Mỹ có đang đầu tư vào một đội quân thực sự khả thi hay không.

"Mặc dù nhận thức được rằng chiến lược chiến tranh của Mỹ phụ thuộc vào năng lực của quân đội Afghanistan, nhưng Lầu Năm Góc ít chú ý đến câu hỏi rằng liệu người Afghanistan có sẵn sàng hy sinh vì chính phủ của họ hay không", Whitlock đặt câu hỏi.

Thành Đạt/dantri.com.vn