Theo SCMP, các ca mới này cho đến nay đều nhẹ và những người bị nhiễm bệnh quyết định không rời trạm Princess Elisabeth tại Nam Cực của Bỉ.
"Mặc dù thật bất tiện khi phải cách ly một số thành viên bị nhiễm virus, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến công việc của chúng tôi", Joseph Cheek, Giám đốc dự án của trạm nói với hãng tin BBC.
"Tất cả thành viên của trạm đã được đề nghị rời đi trên một chuyến bay dự kiến vào ngày 12/1 tới nhưng tất cả đều bày tỏ nguyện vọng ở lại và tiếp tục công việc của mình", ông nói thêm.
Làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở đây được ghi nhận vào ngày 14/12 trong một nhóm người đến trạm 7 ngày trước đó. Tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính đã được cách ly nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan. Tất cả thành viên đến trạm này, do tổ chức International Polar Foundation (IPF) vận hành, phải tiêm vaccine đầy đủ và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Đây không phải là lần đầu tiên các trạm nghiên cứu ở Nam Cực bị Covid-19 tấn công.
Vào năm 2020, 57 người Chile tại hai căn cứ quân sự ở Nam Cực và trên một con tàu hải quân tới lục địa này đã bị nhiễm bệnh.
Mới đây nhất, hôm 21/12 năm ngoái, quân đội Chile cho biết, 36 người tại căn cứ Tướng Bernardo O'Higgins Riquelme ở Nam Cực đã bị mắc Covid-19. Và một ngày sau, Bộ trưởng Y tế của khu vực Biobio ở Chile cho biết có 21 ca nhiễm liên quan đến những người trên tàu tiếp tế Trung sĩ Aldea của hải quân Chile.
Ông Eduardo Castillo, Bộ trưởng Y tế khu vực Magallanes, nơi giám sát các hoạt động của Chile ở Nam Cực, cho biết thêm một ca nhiễm khác được ghi nhận tại làng Las Estrellas, nơi các nhân viên dân sự làm việc tại căn cứ không quân Marsh Martin.
Trong những tháng gần đây, các trạm nghiên cứu và quân sự ở Nam Cực, một trong những nơi xa xôi nhất trên thế giới, đã nỗ lực để ngăn chặn virus lây lan như hủy bỏ hoạt động du lịch thăm thú, thu hẹp các hoạt động và nhân lực cũng như đóng cửa các cơ sở.
Thanh Thành/dantri.com.vn