Tròn một tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga được cho là đã có những tín hiệu thay đổi chiến thuật sau khi đà tiến công bị trì trệ, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Các chuyên gia đã dự đoán những kịch bản có thể xảy ra với chiến sự Nga - Ukraine trong những tuần tới.
Nga tăng cường không kích
Các chuyên gia cảnh báo, nếu thiệt hại với chiến dịch trên bộ càng lớn, Nga nhiều khả năng sẽ tăng cường các hoạt động không kích và triển khai các vũ khí khác nhằm giảm rủi ro cho binh sĩ.
Đến nay, có rất ít thông tin liên quan đến thương vong, thiệt hại của lực lượng Nga sau một tháng triển khai chiến dịch ở Ukraine, song giới chức nước này khẳng định chiến dịch quân sự vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ đạt được các mục tiêu.
Washington Post hôm 23/3 dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ và các chuyên gia quân sự đánh giá, Nga đang tăng cường hoạt động không quân ở Ukraine sau khi bị bắn hạ nhiều máy bay quân sự. Trước đó, một quan chức quốc phòng Mỹ ngày 21/3 nói rằng, Không quân Nga đã thực hiện 300 lần xuất kích trong vòng 24h, tăng 100 lần so với ngày trước đó. Mặc dù vậy, theo giới quân sự phương Tây, đến nay Nga vẫn chưa chiếm ưu thế trên không ở Ukraine.
Nga mở rộng bao vây ở miền Đông Ukraine
Trong khi sự chú ý đổ dồn về chiến tuyến Kiev, nhiều chuyên gia tin rằng, Nga đang nỗ lực kiểm soát hoàn toàn khu vực miền Đông Ukraine, vượt ra ngoài ranh giới vùng ly khai Donbass.
Sam Cranny-Evans, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh ở London, bình luận: "Quân khu phía Nam của Nga đang triển khai ở Donetsk, Lugansk, Mariupol, Berdyansk, Melitopol là lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Nga. Họ được thiết kế để đối phó với lực lượng của NATO".
Chuyên gia này cũng cảnh báo, việc truyền thông phương Tây quá chú trọng đến những thiệt hại của phía Nga và sự kháng cự của Ukraine có thể sẽ kéo theo những đánh giá lệch lạc về diễn biến xung đột.
Thêm nhiều cuộc đàm phán
Những căng thẳng chiến sự hiện nay giữa Nga và Ukraine cho thấy, hai bên chắc chắn cần thêm nhiều cuộc đàm phán nữa để hạ nhiệt tình hình. Cả Nga và Ukraine đều nói rằng, các cuộc đàm phán hiện tại tuy "khó khăn" nhưng đã trở nên thực chất hơn, có triển vọng hơn, thay vì chỉ đưa ra những "tối hậu thư".
Moscow đã tuyên bố rõ các điều kiện để chấm dứt xung đột gồm Ukraine phải đảm bảo vị thế trung lập như Áo hay Thụy Điển, từ bỏ ý định gia nhập NATO và phải công nhận Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng ly khai Donbass. Hai bên sẽ cần thêm nhiều các đàm phán nữa để có thể đi đến hiệp ước hòa bình.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ không mấy lạc quan về triển vọng đàm phán. Washington và các đồng minh phương Tây không loại trừ khả năng Nga sẽ mở rộng quy mô chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu không đạt được các mục tiêu.
Hàng triệu người Ukraine di tản
Số phận của cuộc xung đột là một chuyện, nhưng số phận của người dân Ukraine lại là một vấn đề khác. Kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 3,5 triệu người dân Ukraine đã phải rời đất nước, kéo theo một làn sóng tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2. Những con số này đang tăng lên với tốc độ khoảng 100.000 người mỗi ngày.
Nếu tính cả số người đang sơ tán trong đất nước, 10 triệu người Ukraine hiện đã rời bỏ nhà cửa, tương đương 1/4 dân số nước này.
Nguồn://dantri.com.vn