Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Không quân Nga đổi chiến thuật đối phó "mưa" tên lửa Ukraine

16:23, 24/03/2022
Không quân Nga đổi chiến thuật đối phó mưa tên lửa Ukraine - 1

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga (Ảnh: Reuters).

"Rất có thể lực lượng không quân Nga đã điều chỉnh cách tiến hành các hoạt động. Lực lượng phòng không Ukraine có thể đã bị tiêu hao lớn, hoặc Nga đã cẩn trọng hơn khi triển khai các cuộc xuất kích", Michael Kofman, giám đốc bộ phận nghiên cứu về Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Virginia, Mỹ, cho biết.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ và các chuyên gia quân sự, không quân Nga đã tăng cường hoạt động sau khi bị lực lượng Ukraine bắn rơi nhiều máy bay quân sự trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Cùng thời điểm đó, Mỹ và các đồng minh đã chuyển hàng nghìn hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) cho Ukraine.

Giới phân tích nhận định, các tên lửa do phương Tây viện trợ cho Ukraine đã buộc Nga phải điều chỉnh chiến dịch trên không, nhưng không dừng hẳn chiến dịch này. Hôm 21/3, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Nga đã xuất kích máy bay khoảng 300 lần trong 24 giờ trước đó, cao hơn mức trung bình khoảng 200 lần/ngày trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Các nhà phân tích cho rằng, sự gia tăng số lần xuất kích chuyến bay của Nga có thể do một số yếu tố.

Theo chuyên gia Kofman, Ukraine dường như tập trung hệ thống phòng không ở một số địa điểm nhất định, bao gồm thủ đô Kiev và thành phố lớn thứ hai, Kharkov. Điều này khiến Nga được tự do hơn trong việc triển khai các cuộc không kích xung quanh thành phố cảng phía nam Mariupol, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh đô thị dữ dội.

Số lượng lớn MANPADS mà Ukraine đang sở hữu đã tạo ra thách thức cho trực thăng và máy bay tầm thấp của Nga, nhưng Moscow dường như đã đối phó bằng cách thường xuyên tránh xa tầm bắn của chúng.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc Nga nhiều lần tiến hành các cuộc không kích vào Ukraine từ bên ngoài không phận Ukraine, bao gồm vụ tấn công bằng tên lửa hành trình từ máy bay ném bom tầm xa vào một trung tâm huấn luyện quân sự ở Yavoriv, miền Tây Ukraine. Các máy bay chiến đấu khác của Nga chỉ xâm nhập không phận Ukraine trong thời gian ngắn.

Theo Rob Lee, một cựu sĩ quan bộ binh thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Nga chủ yếu triển khai máy bay Su-25 và trực thăng ở miền nam Ukraine. Trong khi đó, Nga đang vận hành các máy bay Su-35 tiên tiến hơn từ Belarus, có khả năng bắn hạ cả máy bay và thiết bị bay không người lái của Ukraine.

Su-25 thường tấn công các mục tiêu mặt đất khi bay ở tầm tương đối thấp. Cả Ukraine và Nga đều mất các máy bay Su-25 trong cuộc chiến, một phần vì chúng có công nghệ "lỗi thời" khiến dòng máy bay này dễ bị tấn công.

Chuyên gia Kofman cho biết, một số hệ thống vũ khí khác của Nga, ban đầu không xuất hiện trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, trong đó có máy bay không người lái Orlan-10 được sử dụng để do thám các mục tiêu dưới mặt đất.

Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã triển khai 2 tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal nhằm vào các mục tiêu của quân đội Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Nga phóng tên lửa siêu vượt âm vì đây là "vũ khí duy nhất chắc chắn vượt qua các lớp phòng thủ (của Ukraine)".

Ông Biden phỏng đoán, một phần lý do khiến Nga quyết định triển khai tên lửa Kinzhal là vì Moscow dường như đối mặt với những thiệt hại trong thời gian qua do sự phản kháng quyết liệt từ Ukraine. Trước đó, các quan chức Mỹ nhiều lần nói rằng, Ukraine, với sự trợ giúp vũ khí từ phương Tây, đã khiến đà tiến công của lực lượng Nga bị chậm lại.

Nguồn://dantri.com.vn