Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

DÀN VŨ KHÍ PHƯƠNG TÂY CÓ THỂ XOAY CHUYỂN CỤC DIỆN CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE

07:48, 06/05/2022

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 28/4 tuyên bố rằng, khối liên minh sẵn sàng ủng hộ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự với Nga trong nhiều năm, bao gồm hỗ trợ Kiev chuyển từ hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô sang hệ thống vũ khí phương Tây sản xuất.

"Chúng ta cần chuẩn bị cho dài hạn. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm", ông Stoltenberg nói.

Hầu hết các vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi tới Ukraine hiện là các khí tài có từ thời Liên Xô của các nước thành viên Đông Âu như các xe tăng. Tuy nhiên, Mỹ và một số đồng minh đã bắt đầu chuyển tới cho Kiev những vũ khí hạng nặng hiện đại để đối phó với Nga trong giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự.

Vũ khí hạng nặng liên tục đổ về Ukraine

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2, Ukraine đã đề nghị phương Tây đưa vũ khí hạng nặng tới hỗ trợ nước này. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu phương Tây lo ngại động thái này có thể gây ra đối đầu với Nga. Nhưng giờ đây, khi NATO ước tính chiến sự có thể kéo dài, họ đã quyết định sẽ đưa các khí tài có thể giúp Ukraine ngăn chặn Nga hiệu quả hơn. Các chuyên gia cảnh báo rằng, diễn biến này có thể khiến chiến sự trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.

Mỹ là một trong những quốc gia tích cực đưa vũ khí hạng nặng nhất tới Ukraine trong thời gian qua. Mục tiêu của họ không chỉ là giúp đỡ Ukraine đối phó với Moscow mà còn muốn làm "suy yếu" quân đội Nga về lâu dài. Vì vậy, các vũ khí mà Washington gửi tới Ukraine có khả năng gây tổn hại cho khí tài Nga ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn đầu.

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 1

Lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm (Ảnh: Military).

Trong gói viện trợ gần đây, Mỹ tuyên bố chuyển cho Ukraine các lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm. M777 là sản phẩm của nhà thầu quốc phòng BAE Systems. Nó có trọng lượng nhẹ, tầm bắn xa, bán kính chênh lệnh mục tiêu nhỏ và là một trong những vũ khí mặt đất gây nguy hiểm hàng đầu của Mỹ.

Nó có khả năng yểm trợ trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu, cũng như các trung đoàn thiết giáp. M777 có thể được trang bị đạn điều khiển M982 Excalibur với phạm vi tiêu diệt mục tiêu vào khoảng 40 km, độ lệch tối đa không quá 10 m.

Một ưu điểm của M777 là dù nó khác với pháo cỡ nòng 152mm Msta-B thời Liên Xô của Ukraine, nhưng về cơ bản là 2 hệ thống này có sự tương đồng nhất định. Vì vậy, việc huấn luyện sử dụng pháo này trở nên nhanh hơn với quân nhân Ukraine. Mỹ đã bắt đầu huấn luyện lực lượng Kiev sử dụng M777 tại một địa điểm không xác định bên ngoài Ukraine.

Ngoài lựu pháo M777, Mỹ tuyên bố sẽ đưa tới Ukraine các máy bay không người lái (UAV) tối tân gồm Swichblade-300, Swichblade-600 và đặc biệt là UAV "Bóng ma phượng hoàng" (Phoenix Ghost).

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 2

Một bệ phóng Switchblade-300 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Switchblade-300 nặng 2,5 kg chuyên dùng để nhằm mục tiêu vào binh sĩ đối thủ và các phương tiện hạng nhẹ. Chúng có thể bay 10 km và "lảng vảng" xung quanh mục tiêu trong 15 phút trước khi tấn công, theo tài liệu của nhà sản xuất AeroVironment.

Trong khi đó, UAV Switchblade-600 nặng 22,7 kg có thể bay 39 km và "lảng vảng" 40 phút trước khi phóng vào mục tiêu. Điểm đặc biệt ở đây là UAV phiên bản mới có đầu đạn chống thiết giáp.

Dòng UAV Switchblade có thể bay với tốc độ 101 km/h, bay liên tục trong 40 phút và cự ly hoạt động khoảng 80 km. Nó có gắn camera cung cấp cho người vận hành hình ảnh hiển thị mục tiêu của khu vực tác chiến và hoàn toàn có thể thay đổi mục tiêu giữa hành trình.

Switchblade rất khó bị radar đối phương phát hiện và có thể sử dụng để tấn công chính xác mục tiêu ở cách xa tới 11 km. Switchblade-600 được ví như một "quả bom thông minh tự hành" có thể bay lòng vòng quanh mục tiêu chờ thời cơ tấn công.

Hiện chưa có quá nhiều thông tin về tính năng đặc biệt của Phoenix Ghost nhưng theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, đây là một loại UAV "cảm tử". Không quân Mỹ là bên đã phát triển UAV này riêng cho Kiev trong chiến sự Nga - Ukraine.

Ông Kirby cho biết, loại vũ khí này là một nền tảng hoàn toàn mới được phát triển nhanh chóng trong thời gian qua nhằm đặc biệt đáp ứng các yêu cầu quân sự của Ukraine khi nước này đang đối phó với lực lượng Nga ở khu vực Donbass.

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 3

Trực thăng Mi-17 của quân đội chính phủ Afghanistan thân phương Tây đã bị Taliban lật đổ (Ảnh: WP).

Trong lô khí tài Mỹ gửi, có sự xuất hiện của 16 trực thăng Mi-17 - khí tài do Liên Xô sản xuất. Các trực thăng này nằm trong hợp đồng bảo dưỡng của Mỹ với quân đội của chính quyền Afghanistan thân phương Tây bị Taliban lật đổ hồi năm ngoái. Vào thời điểm Kabul thất thủ, các trực thăng này đã được đưa ra ngoài Afghanistan để bảo dưỡng nên Mỹ vẫn còn kiểm soát được chúng.

Mi-17 là trực thăng vận tải cỡ trung bình và nó có thể được lắp thêm vũ khí vào để trở thành trực thăng vũ trang hạng nặng. Mi-17 có tốc độ bay tối đa 250 km/h, phạm vi hoạt động khoảng 465 km, và độ cao tối đa 6.000 m.

Mi-17 được phát triển từ khung máy bay cơ bản của Mi-8, trang bị động cơ lớn hơn TV3-117MT, cánh quạt, và bộ phận truyền động của Mi-14, cùng với những cải tiến phần thân cho tải nặng. Do đây là vũ khí có từ thời Liên Xô nên quân nhân Ukraine được xem là có thể dễ dàng sử dụng trực thăng này trong chiến sự với Nga.

Ngoài ra, lô vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine còn có các tên lửa chống tăng Javelin uy lực, 200 xe thiết giáp chiến đấu, cùng với các hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực.

Theo chuyên gia Mick Mulroy, cựu phó trợ lý phụ trách khu vực Trung Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các radar này có thể phát hiện ra pháo của đối thủ đang bay tới, phát hiện các đòn nã hỏa lực gián tiếp và tìm ra hệ thống bắn ra các hỏa lực. Nhờ vậy, các hệ thống radar này có thể giúp Ukraine bắn đáp trả lại chính xác các tổ hợp pháo binh của Nga.

Ngoài Mỹ, các đồng minh khác trong NATO cũng đang tích cực đưa vũ khí hạng nặng tới Ukraine.

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 4

Hệ thống pháo tự hành Caesar (Ảnh: Wikimedia).

Pháp tuyên bố gửi cho Ukraine pháo tự hành Caesar. Caesar là loại pháo tự hành do tập đoàn Nexter (Pháp) sản xuất, nặng 18 tấn, đặt trên xe tải. Nó được trang bị các hệ thống giúp tác chiến độc lập với kíp chiến đấu 5 người. Pháo được trang bị 18 viên đạn, tốc độ bắn 6-8 phát/phút, tầm bắn tối đa 40km, lên đến 50km nếu đạn pháo được tăng tầm.

Pháo Caesar bắn được tất cả các loại đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO bao gồm: Đạn thông thường, đạn chống tăng, đạn khói, đạn phản lực. Nó có thể phá hủy nhiều loại mục tiêu đa dạng, thậm chí là ngay cả các loại xe tăng, xe bọc thép hiện đại được trang bị lớp giáp bảo vệ chắc chắn.

Một điểm nổi bật của Caesar chính là nó dễ sử dụng. Theo chuyên gia quân sự Marc Chassillan, các quân nhân có thể học cách sử dụng loại pháo này "trong một buổi sáng". Điều này có thể giúp cho lực lượng Ukraine làm quen vũ khí dễ dàng hơn và giúp họ tiết kiệm thời gian để đưa vũ khí ra thực chiến.

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 5

Xe tăng phòng không Gepard (Ảnh: Wiki).

Khác với Caesar, Đức lại gửi cho Ukraine một vũ khí phức tạp hơn, là xe tăng phòng không Gepard, nhưng bù lại nó lại sở hữu hệ thống radar tinh vi. Nó yêu cầu các quân nhân cần có vài tuần huấn luyện để làm chủ được vũ khí.

Gepard bản chất là pháo phòng không đặt trên khung gầm xe tăng Leopard 1. Nó nặng khoảng 47,5 tấn, dài 7,68 m, cao 3,29 m, với kíp điều khiển 3 người.

Dù Gepard đã bị Đức loại biên vào năm 2010 để chuyển sang dùng xe Wiesel trang bị tên lửa phòng không, nhưng Gepard vẫn là vũ khí uy lực khi được trang bị 2 pháo tự động gồm đạn phòng không và đạn chống tăng, cùng 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm. Hệ thống radar của Gepard cho phép nó có thể phá hủy tên lửa hành trình và máy bay, cũng như chống lại các mục tiêu trên mặt đất.

Anh là một trong những nước gửi nhiều vũ khí nhất tới Ukraine, với xe bọc thép Stormer mang tên lửa phòng không dẫn đường bằng laser Starstreak. Nó có thể gây ra mối đe dọa với máy bay phản lực và máy bay trực thăng của Nga. Ngoài ra, Anh cũng tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine hàng trăm tên lửa chống hạm siêu thanh Brimstone để nâng cao khả năng phòng thủ hàng hải của Kiev trong bối cảnh Nga được cho sắp nhằm mục tiêu vào thành phố cảng chiến lược Odessa của Ukraine để có thể giành quyền khu vực kiểm soát Biển Đen.                                                                                                                                                            

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 6

Tên lửa chống hạm siêu thanh Brimstone bay nhanh gấp 1,3 lần tốc độ âm thanh (Ảnh: CSIS).

"Pháo tự hành, xe tăng chiến đấu và xe bọc thép có thể tạo ra sức mạnh đáng kể cho các lực lượng của Ukraine, và thậm chí khôi phục lại những năng lực đã bị xói mòn sau 2 tháng chiến sự", chuyên gia Leo Peria-Peigne từ trung tâm IFRI (Pháp), nhận định.

Vũ khí Nga đáp trả

Bật âm thanh

Thời gian hiện tại 0:01

/

Độ dài 0:47

Đã tải: 74.97%

 

Toàn màn hình

Cài đặt
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Video Nga khai hỏa tên lửa Iskander phá hủy kho đạn và xe tăng Ukraine

Thời gian qua, Nga đã tăng cường nhằm các tên lửa uy lực của họ như Kalibr, Iskander nhằm vào các mục tiêu ở Tây Ukraine, nơi mà Moscow xác định là kho vũ khí, nhiên liệu của Kiev hoặc các tuyến đường mà phương Tây dùng để đưa khí tài tới Ukraine.

Mục tiêu của Nga là nhằm ngăn chặn và làm chậm tốc độ chuyển vũ khí của NATO tới Ukraine. "Theo quan điểm của tôi, Nga ban đầu dường như không tin rằng phương Tây sẽ chuyển cho Ukraine nhiều vũ khí hạng nặng như vậy, nên họ cảm thấy cần phải ngăn chặn", một quan chức Ukraine nói với Guardian.

Hồi đầu tuần, Ukraine xác nhận rằng 5 ga tàu lửa của họ đã trúng tên lửa Nga và việc sửa chữa những thiệt hại này có thể kéo dài vài tháng. Các kho nhiên liệu cũng trở thành mục tiêu của Nga trong những ngày qua.

Trước đó, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ coi vũ khí phương Tây là mục tiêu hợp lệ của quân đội nước này.

Ngoài ra, theo chuyên gia Niklas Masuhr từ trung tâm Nghiên cứu An ninh có trụ sở tại Thụy Sĩ, việc Nga tăng cường nhằm mục tiêu ở khu vực Kiev hay Lviv ở Tây Ukraine có thể là để Ukraine phải phân tán các hệ thống phòng không ra khắp đất nước để đánh chặn hỏa lực Nga. Lúc này họ sẽ không thể tập trung các lá chắn ở nơi mà các diễn biến chính của chiến sự đang diễn ra là ở miền Đông và Nam.

Vì vậy, giới quan sát nói với Guardian rằng, Ukraine cần thêm các lá chắn phòng không ở miền Tây để có thể đối phó với Nga trong giai đoạn 2 của chiến sự. Đó không chỉ là các lá chắn tầm ngắn, mà còn phải là những hệ thống tầm xa và hạng nặng để Ukraine có thể kiểm soát vùng trời ở những khu vực không diễn ra chiến sự.

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 7

Xe tăng của lực lượng thân Nga ở Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, Nga có lợi thế áp đảo so với Ukraine về pháo hạng nặng có thể bắn từ xa và pháo tự hành có thể di chuyển dễ dàng tại địa hình đồng bằng ở Đông Ukraine. Điều này giúp họ sớm đạt được lợi thế ở đầu giai đoạn 2 khi đã giành thêm được quyền kiểm soát một số thị trấn.

Tuy nhiên, khu vực Donbass cũng tồn tại những thách thức cho Nga vì nó cũng có một số khu đông dân cư, đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải đối mặt với việc tác chiến đô thị giống như ở phía Bắc Ukraine, nơi họ đã gặp không ít khó khăn vì sự kháng cự của phía Kiev bằng các tên lửa chống tăng mà phương Tây cung cấp.

"Tôi cho rằng Nga sẽ đạt được một số thành công, nhưng có thể nó sẽ không diễn ra nhanh chóng. Chỉ cần Ukraine không để cho một lượng lớn quân nhân của họ bị Nga bao vây, tôi nghĩ điều đó có thể ngăn Nga đạt được những bước tiến về mặt chiến lược", Rob Lee, nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với trang tin Politico.

Serhiy Volyn, lãnh đạo lực lượng Ukraine cố thủ tại nhà máy thép Azovstal, Mariupol, tuần trước thừa nhận rằng, lực lượng Nga có quy mô gấp 10 lần Ukraine và rất khó để bảo vệ thành phố chiến lược này chỉ bằng súng máy trước máy bay ném bom và tên lửa hành trình, các nhóm tấn công và xe tăng của Nga.

Mặc dù vậy, các chuyên gia quân sự cho rằng, vũ khí có thể làm nên sự khác biệt trong giai đoạn 2 của chiến sự sẽ là máy bay không người lái (UAV).

Tầm quan trọng của vũ khí này đã được thể hiện trong việc Mỹ quyết định viện trợ số lượng lớn UAV tới Ukraine, mà nổi bật chính là chiếc Phoenix Ghost và Switchblade đã nêu bên trên. UAV vừa có thể làm nhiệm vụ trinh thám, dẫn đường, tấn công mục tiêu khi cần thiết và có giá thành rẻ trong khi sức sát thương cũng khá lớn.

Câu hỏi đặt ra là các bên sẽ tận dụng vũ khí này như thế nào để mang lại lợi thế trên chiến trường.

Dàn vũ khí phương Tây có thể xoay chuyển cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 8
Tôi cho rằng Nga sẽ đạt được một số thành công nhưng nó có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng. Chỉ cần Ukraine không để cho một lượng lớn quân nhân của họ bị Nga bao vây, tôi nghĩ điều đó có thể ngăn Nga đạt được những bước tiến về mặt chiến lược.
Rob LeeChuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ)

Phía Ukraine nói rằng Nga hiện đang triển khai thêm UAV Orlan-10 ở Donbass nhằm lập ra danh sách mục tiêu quân sự của Kiev để bắn vũ khí chính xác vào. Trong khi đó, những chiếc UAV TB2 của Ukraine vốn hoạt động hiệu quả ở giai đoạn đầu đang đối mặt với rủi ro có thể bị dễ bắn rụng hơn.

"Mật độ các hệ thống phòng không trên mặt đất của Nga lớn hơn nhiều ở Donbass. Nga có khả năng chiếm ưu thế trên không cục bộ ở phần lớn Donbass", chuyên gia Justin Bronk của viện Royal United Services, nhận định.

Ông dự đoán, các máy bay chiến đấu của Nga dễ dàng tác chiến trên không hơn ở Donbass so với khu vực Kiev vì chúng sẽ được bảo vệ tốt hơn bởi các hệ thống phòng không trên mặt đất.

Nguồn://dantri.com.vn


Ý kiến bạn đọc