Sáng 19/10, Công an tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo trao đổi, cung cấp thông tin, lấy ý kiến về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, phối hợp soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian tham luận, ý kiến góp ý về 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, phối hợp soạn thảo trình tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Dự thảo Luật Căn cước công dân ( sửa đổi); dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Các ý kiến đều đồng tình và đánh giá sự cần thiết ban hành các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.Các đại biểu cho rằng: Việc Quốc hội xem xét xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là góp phần thể chế hóa định hướng “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho thấy xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ” của Đảng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật đã nêu về các hành vi bị nghiêm cấm nhưng dự thảo Luật chưa quy định rõ về chế tài xử lý, nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật. Vì vậy, sẽ khó khăn trong công tác xử lý vi phạm và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khi Luật đi vào cuộc sống. Các đại biểu dự hội nghị tán thành và nhất trí cao việc Quốc hội xem xét, ban hành “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, đây sẽ là bộ Luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Đại biểu cũng cơ bản đồng tình với việc xây dựng dự thảo Luật thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014 và cho rằng đây là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm thông tin tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về quá trình cư trú của công dân từ khi người dân đủ 14 tuổi trở lên, nhằm phục vụ cho công tác chuyển đổi số đảm bảo tính toàn diện, triệt để. Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại tính khả thi và phù hợp của một số quy định cụ thể trong các dự thảo Luật…
Các ý kiến của đại biểu đã được Đoàn ĐBQH ghi nhận, tiếp thu để tổng hợp, chọn lọc và có ý kiến tham gia thảo luận về các dự án Luật tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội./.
Minh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc