Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

100 NGÀY XUNG ĐỘT NGA-UKRAINE: THẾ TRẬN GIẰNG CO TRONG VÒNG XOÁY HỎA LỰC

10:34, 03/06/2022

KẾ HOẠCH "ĐÁNH NHANH, THẮNG NHANH" CỦA NGA

Sau nhiều tháng củng cố, tập hợp lực lượng, tạo thế gọng kìm quanh Ukraine, rạng sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng.

Hàng chục nghìn binh sĩ Nga đã tràn sang lãnh thổ Ukraine từ các hướng khác nhau, bao gồm cả biên giới trên bộ, trên biển và trên không. Nga thực hiện các đợt tấn công dồn dập bằng vũ khí chính xác vào hàng loạt mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine như thủ đô Kiev, thành phố Mariupol, Kharkov, Chernihiv…

Lính dù Nga cũng đổ bộ xuống ngoại ô thủ đô Kiev, giành quyền kiểm soát sân bay Hostomel. Việc kiểm soát sân bay Hostomel cho phép Nga điều động thêm quân nhằm phục vụ kế hoạch bao vây thủ đô Kiev. Những ngày tiếp sau đó, Nga điều động đoàn xe quân sự kéo dài 64km bao gồm cả xe tăng, xe bọc thép chở quân, xe chở hàng tiếp tế tiến về Kiev, làm dấy lên đồn đoán Nga sắp tấn công tổng lực Kiev.

100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Thế trận giằng co trong vòng xoáy hỏa lực - 1
100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Thế trận giằng co trong vòng xoáy hỏa lực - 2
100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Thế trận giằng co trong vòng xoáy hỏa lực - 3

Nga tập kích, dồn lực lượng nhằm nhanh chóng kiểm soát Kiev nhưng không thành (Ảnh: Reuters).

Khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine hồi cuối tháng 2, họ dường như đã đặt ra mục tiêu "tốc chiến, tốc thắng", với tham vọng kiểm soát các thành phố trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev. Giới phân tích phương Tây cũng cho rằng, Kiev có thể thất thủ trong vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, dự đoán này đã không chính xác.

Do những rắc rối hậu cần cũng như thách thức của lối tác chiến đô thị, đoàn xe quân sự Nga nhanh chóng trở thành mục tiêu phục kích của Ukraine. Điều này buộc Nga phải phân tán đoàn xe, từ bỏ nỗ lực bao vây, kiểm soát Kiev.

Đến ngày thứ 33 của chiến dịch, Nga thông báo "giảm đáng kể hoạt động quân sự" quanh khu vực Kiev và Chernihiv, đồng thời chuyển trọng tâm chiến dịch sang miền Đông nhằm "giải phóng hoàn toàn Donbass".

Các chuyên gia cho rằng việc thay đổi chiến lược như vậy cho thấy kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Nga vào các thành phố lớn ở Ukraine đã không thành. Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu quân sự về Nga, tại Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Nga "đang điều chỉnh các mục tiêu chiến dịch" để ưu tiên cho những nơi họ thực sự có thể giành chiến thắng.

Cùng quan điểm này, Stephen Biddle, giáo sư về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia, bình luận: "Họ rút quân gần Kiev để tạo điều kiện đàm phán là rõ ràng. Nhưng có thể Nga thực sự muốn thu hẹp mục tiêu để hướng tới các khu vực họ đã kiểm soát, đặc biệt là Donbass".

DONBASS THÀNH "CHẢO LỬA"

Từ cuối tháng 3, Nga đã rút lực lượng khỏi Kiev và vùng lân cận, tiếp tục rút dần khỏi tỉnh Kharkov, Đông Bắc Ukraine. Đến ngày thứ 55 của chiến dịch quân sự, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận, chiến dịch của Moscow chính thức bước vào giai đoạn mới. Từ cuối tháng 4 để dồn binh sĩ, hỏa lực cho miền Đông, biến Donbass thành tâm điểm xung đột.

Trong quá trình này, Nga đã thay đổi chiến thuật ít nhất 3 lần, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" ban đầu chuyển sang "đánh chậm, tiến chắc". Nga huy động các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) được trang bị hỏa lực mạnh để tấn công các thành phố lớn ở tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc Donbass, đồng thời củng cố quyền kiểm soát Kherson ở miền Nam, phong tỏa các cảng của Ukraine.

Đến giữa tháng 5, Moscow tiếp tục thay đổi chiến thuật, chia các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thành những đơn vị cấp đại đội và tác chiến ở quy mô nhỏ hơn. Sở dĩ Nga lựa chọn chiến thuật này là bởi một số đơn vị lớn của họ trở thành mục tiêu tấn công của pháo binh Ukraine trong quá trình vượt sông hay di chuyển ở địa hình trống trải ở Donbass. Con sông Seversky Donets ở tỉnh Lugansk đã trở thành trở ngại tự nhiên cho cả Nga và Ukraine khi các bên tìm cách phá hủy cầu phao để ngăn đà tiến công của đối phương.

Hơn 3 tháng kể từ khi mở chiến dịch quân sự, chiến thắng quan trọng nhất mà Nga đạt được là kiểm soát hoàn toàn thành phố Mariupol ở Đông Nam Ukraine, tiến gần hơn đến mục tiêu lập hành lang trên bộ nối liền từ Donbass đến bán đảo Crimea. Để làm được điều này, Nga đã phải huy động khoảng 20.000 binh sĩ bao vây và tấn công Mariupol suốt 82 ngày. Chỉ đến khi hơn 2.400 quân nhân Ukraine cố thủ trong nhà máy luyện kim Azovstal đồng ý hạ vũ khí hồi giữa tháng 5, Nga mới có thể kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng chiến lược này và tiếp tục dồn quân cho các mặt trận quan trọng khác ở Donbass.

Từ khoảng hai tuần trở lại đây, Nga dồn dập bao vây, tấn công một loạt thị trấn, thành phố nhỏ ở phía đông Lugansk vẫn do Ukraine kiểm soát, trong đó có Rubizhne, Lysychansk, Popasna và Severodonetsk. Theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), những thị trấn này có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu kiểm soát được, quân đội Nga có thể tiến về phía tây, phối hợp với các đơn vị đang tiến về phía đông nam Izyum. Moscow đã kiểm soát tới 80% Severodonetsk và đang chiếm ưu thế ở Donbass nói chung, trong khi Ukraine thừa nhận mỗi ngày khoảng 60 - 100 binh sĩ của nước này hy sinh ở đây.

100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Thế trận giằng co trong vòng xoáy hỏa lực - 4

Binh sĩ Ukraine diễn tập với tên lửa vác vai ở Donetsk, vùng Donbass hồi tháng 2/2022 (Ảnh: AP).

Một số ý kiến cho rằng với ưu thế vượt trội về hỏa lực, Nga có khả năng kiểm soát hoàn toàn Donbass sau vài ngày hoặc vài tuần nữa. Tuy nhiên, số khác cho rằng, cục diện xung đột vẫn có thể thay đổi khi Ukraine tiếp nhận thêm vũ khí hạng nặng từ phương Tây.

Nguồn vũ khí viện trợ của phương Tây đã chi phối đáng kể chiến sự Nga - Ukraine ngay từ những ngày đầu tiên. Nếu ở giai đoạn đầu, Mỹ và các đồng minh chủ yếu chuyển cho Kiev những vũ khí nhỏ mang tính phòng vệ, thì hiện nay, họ bắt đầu viện trợ vũ khí hạng nặng.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống pháo phản lực cơ động cao có tầm bắn tới 80km với đạn rocket, và khoảng 300km với tên lửa chiến thuật. Anh cũng quyết định sẽ cung cấp pháo phản lực phóng loạt M270 nhằm "tăng cường đáng kể năng lực cho lực lượng Ukraine". Tổ hợp pháo M270 có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 80km nếu dùng đạn rocket và tới 500km nếu sử dụng tên lửa dẫn đường. Các nước như Đức, Pháp, Ba Lan cũng cung cấp hàng tỷ USD thiết bị quân sự cho Ukraine.

Nguồn viện trợ quân sự của phương Tây có thể coi là trở ngại lớn nhất đối với chiến dịch của Nga ở Ukraine. Do vậy, Nga không chỉ tìm cách kiểm soát các tuyến đường tiếp tế trên bộ mà còn ra sức chặn Ukraine tiếp cận các tuyến đường sắt từ phía tây. Moscow đã tăng cường các đợt tấn công nhằm phá hủy hệ thống đường sắt ở miền Tây Ukraine. Đường sắt là phương tiện vận chuyển binh sĩ và vũ khí hạng nặng hiệu quả nhất của Ukraine. Hơn nữa, việc kiểm soát các tuyến đường sắt cũng tạo điều kiện cho Nga vận chuyển quân đội và nguồn tiếp tế.

MỤC TIÊU MỚI

100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Thế trận giằng co trong vòng xoáy hỏa lực - 5

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ (Ảnh: AFP).

Sau hơn 3 tháng, phần lớn Ukraine bị tàn phá trong cuộc tấn công có thể coi là lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Hơn 6,5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, hàng nghìn người thiệt mạng, các thành phố bị phá hủy nghiêm trọng. Chiến sự cũng gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực, giá cả tăng vọt do nguồn cung bị gián đoạn. Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngũ cốc và một số mặt hàng khác.

Đáng nói, chiến sự chưa có dấu hiệu chấm dứt. Xung đột kéo dài đang làm hao tổn khí tài quân sự và năng lực chiến đấu của cả Nga và Ukraine. Hai bên khó có khả năng giành được một chiến thắng quyết định bằng cách sử dụng những phương tiện chiến đấu thông thường. Trong khi đó, triển vọng đạt được một hiệp ước hòa bình thông qua đàm phán vẫn rất mong manh. Các bên đổ lỗi cho nhau khiến đàm phán bế tắc.

Hiện chưa rõ những tiêu chuẩn để Nga xác định một chiến thắng trên chiến trường, song có nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu của Ukraine đã thay đổi so với mục tiêu ban đầu là đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.

Dù đang phải đối mặt với cuộc chiến "vô cùng khó khăn" ở Donbass, nhưng với nguồn cung vũ khí dồi dào từ phương Tây, Ukraine giờ đây đặt mục tiêu đầy tham vọng là giành lại toàn bộ những vùng lãnh thổ đã mất, kể cả bán đảo Crimea và đẩy lùi Nga ra khỏi tất cả các khu vực biên giới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2/6 cho biết, Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và chiến tuyến hiện trải dài hơn 1.000km.

Mathieu Boulegue, chuyên gia cấp cao về Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, nhận định Nga đang tận dụng tối đa lợi thế tạm thời để kiểm soát lãnh thổ Ukraine nhiều nhất có thể trước khi các nguồn lực cạn kiệt. "Những gì chúng ta sẽ thấy trong vài tuần tới là sự thay đổi giữa chiến tranh di chuyển, tiến quân, sang chiến tranh vị trí", Business Insider dẫn lời ông Boulegue. Các chuyên gia cho rằng, Nga khó kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Ukraine mà chỉ duy trì sự hiện diện tại các vùng lãnh thổ đã kiểm soát bao gồm bán đảo Crimea.

Về phần Ukraine, một quan chức cấp cao của nước này tin rằng, quân đội của họ có thể lật ngược tình thế trong khoảng từ nay đến tháng 8 khi được tiếp nhận nhiều hơn nữa các hệ thống vũ khí mạnh từ phương Tây. Khi đó, quân đội Ukraine hoàn toàn có thể tiến vào Crimea. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Kiev khó giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Một kịch bản khả thi hơn là Ukraine tìm cách giữ vững vị trí trên chiến trường, chặn đà tiến công của Nga nhằm bảo vệ những phần lãnh thổ vẫn đang kiểm soát.

Thế giằng co này là lý do khiến nhiều người tin rằng xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm nữa. "Cuộc chiến Donbass còn lâu mới kết thúc", nhà sử học quân sự Pháp Michel Goya bình luận. Theo ông, mặt trận miền Đông đang trở thành một mặt trận mang tính quyết định và sẽ tiếp tục bào mòn năng lực chiến đấu của các bên trong những tuần tới.

Đồng quan điểm này, ông Christophe Gomart, cựu tướng của lực lượng đặc nhiệm Pháp, nhận định: "Trong tương lai gần, tôi cho rằng họ sẽ phải có một khoảng ngừng, bởi hai quân đội đã đối đầu nhau hơn 3 tháng và đều đã kiệt sức. Cuộc chiến này đang trở thành cuộc chiến tiêu hao".

Trong trường hợp không bên nào giành chiến thắng quyết định và cũng không có nhượng bộ nào trên bàn đàm phán, xung đột có thể kéo dài và lan rộng cả khu vực.

Minh Phương/dantri.com.vn


Ý kiến bạn đọc