Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Vũ khí Nga có thể dùng để tiêu diệt "hỏa thần" HIMARS của Mỹ ở Ukraine

09:44, 22/07/2022

 

Vũ khí Nga có thể dùng để tiêu diệt hỏa thần HIMARS của Mỹ ở Ukraine - 1

Rocket phóng loạt HIMARS của Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Reuters).

Forbes đưa tin, HIMARS trong vài tuần qua đã đạt được một số thành tựu trên chiến trường trước lực lượng Nga với khả năng bắn rồi chạy của vũ khí này để tránh bị Moscow phản pháo.

Nga gần đây đã đặt ra mục tiêu cho quân đội nước này là tập trung phá hủy pháo và tên lửa tầm xa phương Tây viện trợ cho Ukraine. Vì vậy, theo chuyên gia Samuel Bendett của CNA, Nga có thể sẽ sớm triển khai các máy bay không người lái (UAV) cảm tử nhằm mục tiêu tìm diệt khí tài của Ukraine.

Trong một vài tháng qua, UAV cảm tử, hay còn gọi là đạn lảng vảng, của Nga chỉ thực hiện một số vụ tấn công đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, các UAV này hiện bắt đầu được triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. UAV cảm tử có khả năng tìm kiếm và tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu có thể di chuyển như HIMARS. Khác với tên lửa, UAV cảm tử có thể bay lảng vảng trên trời nhiều giờ đồng hồ để khóa mục tiêu mà không cần phải biết rõ vị trí chính xác trước khi được phóng đi. 

Loại UAV cảm tử phổ biến nhất mà Nga đang dùng ở Ukraine là KUB. KUB là sản phẩm của công ty ZALA Aero (một thành viên của nhà thầu Kalashnikov thuộc Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec). KUB mang đầu đạn nặng 3kg, có thể hoạt động trong 30 phút và đạt tốc độ 130km/h. UAV cảm tử KUB đã vượt qua bài thử nghiệm cấp nhà nước vào tháng 11/2021 và sẽ được cung cấp hàng loạt cho quân đội Nga vào năm nay.

Nga bắt đầu đăng video ghi lại các vụ tấn công cảm tử của KUB khi nó xác định và lao thẳng xuống mục tiêu để gây ra vụ nổ phá hủy.

Vũ khí Nga có thể dùng để tiêu diệt hỏa thần HIMARS của Mỹ ở Ukraine - 2

Một máy bay không người lái Lancet (Ảnh: Tass).

Ngoài ra, một UAV cảm tử khác cũng được Nga triển khai nhiều trong thời gian qua ở Ukraine là Lancet - cũng là một sản phẩm của ZALA Aero.

Lancet được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. Nó có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công. Lancet có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg.

Lancet hoạt động theo cơ chế mang thuốc nổ bay lơ lửng trên không trung và liên tục tìm kiếm mục tiêu. Khi mục tiêu được xác nhận, UAV sẽ thực hiện một vụ tấn công cảm tử như cơ chế của một tên lửa không đối đất.

Nó được đặt tên là "Lancet", tức là "dao mổ", vì khả năng tấn công mục tiêu chính xác cao như "trong một cuộc phẫu thuật", theo Sputnik.

Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự. Thứ 2, nó khá nhỏ, nhẹ và làm bằng nhựa và vật liệu composite nên nó gần như "tàng hình" trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.

Lancet có nhiều phiên bản, có tốc độ tối đa 80-100km/h. Nó được trang bị một bộ phận tấn công chính xác, cũng như các mô-đun trinh sát, điều hướng và liên lạc. Ngoài ra, Lancet cũng có khả năng chống chọi trước vũ khí laser nhờ thiết kế đặc biệt.

Ngoài 2 dòng UAV trên, Nga được cho đang triển khai UAV Lastochka-M ở Ukraine. Đây là một chiếc máy bay cỡ nhỏ được trang bị hai quả bom cỡ lựu đạn. Với thời gian bay lảng vảng kéo dài tới vài giờ đồng hồ, Lastochka-M trở nên nguy hiểm khi có khả năng tìm và diệt HIMARS.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thách thức của Nga hiện là họ dường như không có đủ một số lượng lớn UAV cảm tử trong kho vũ khí để tạo nên thế áp đảo với khí tài Ukraine. Nga được cho hiện đang tăng cường sản xuất và bổ sung các UAV này lên tiền tuyến.

Nguồn://dantri.com.vn


Ý kiến bạn đọc