Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn
  • Bắc Kạn
    oC

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu như thế nào?

16:28, 11/09/2023

Theo các chuyên gia, việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện được đánh giá là bước phát triển nhảy vọt và mở ra giai đoạn lịch sử mới cho quan hệ song phương.

 

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu như thế nào?

Vào chiều 10/9, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, sau 10 năm, quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp từ Đối tác Toàn diện lên cấp độ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 quốc gia là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ.

"Bước phát triển nhảy vọt về chiều sâu"

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu như thế nào? - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10/9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an), đánh giá, quan hệ Đối tác Chiến lược mang chiều sâu về chính trị và an ninh. "Hai quốc gia đã có quan hệ chiến lược có nghĩa là có lòng tin nhất định trên lĩnh vực chính trị và an ninh. Những quốc gia nào đạt được mức độ lòng tin chính trị nhất định mới thiết lập quan hệ chiến lược", ông Cương nhận định với Dân trí.

Theo ông Cương, phạm vi của quan hệ toàn diện mang "tính diện", tức là rộng hơn, nhưng mỏng hơn, không dày và sâu. Vì thế, việc Việt Nam và Mỹ nâng từ quan hệ Đối tác Toàn diện lên Chiến lược Toàn diện là có sự thay đổi cả về chất và lượng. Điều này chứng tỏ ra quan hệ Việt Nam và Mỹ đã vượt qua một chặng đường 10 năm toàn diện, đạt đến độ có lòng tin chính trị nhất định và quyết định nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

"Như vậy mối quan hệ này có đủ độ sâu, độ dày cần thiết về mặt chính trị, về an ninh, đồng thời nó mang phổ rất rộng trên tất cả lĩnh vực. Đây là một bước phát triển tôi cho rằng mang có tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Cương, trong quan hệ quốc tế, các thuật ngữ như đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện không phải khi nào cũng có nhận thức thống nhất. Ví dụ, Việt Nam có quan hệ rất tốt với một số nước nhưng mới ở mức đối tác chiến lược, chứ chưa lên đối tác chiến lược toàn diện.

Đó có thể chỉ là do quan niệm chứ không phải là do bản chất của mối quan hệ ấy. Mỗi nước có thể sử dụng thuật ngữ, khái niệm khác nhau.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu như thế nào? - 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Văn phòng Chủ tịch nước vào ngày 11/9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) cũng nhận định việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là một bước phát triển mới và mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước.

"Đối tác Chiến lược Toàn diện là tầm cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam hiện có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 nước gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ. Với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược hoặc Đối tác Chiến lược Toàn diện với tất cả đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong đó có cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", ông Cường trao đổi với Dân trí.

Thạc sĩ Hoàng Việt (Đại học Luật TPHCM) nói với Dân trí rằng đối tác chiến lược toàn diện được hiểu là cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, cho thấy sự tin cậy lẫn nhau và cam kết với nhau một cách sâu rộng, mạnh mẽ và lâu dài nhất. Điều này mang ý nghĩa đặc biệt vì Việt Nam và Mỹ từng là cựu thù và quan hệ giữa hai nước cũng có nhiều khúc mắc, do vậy việc hai nước trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện như hiện nay cho thấy mức độ tin cậy lẫn nhau đã cao hơn rất nhiều.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận định, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là bước phát triển nhảy vọt trong quan hệ song phương.

"Tôi đánh giá đây là bước phát triển nhảy vọt trong quan hệ Việt - Mỹ sau 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong cuộc họp báo với Tổng thống Joe Biden: Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, quan hệ hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả. Đây chính là cơ sở để lãnh đạo hai nước lần này quyết định nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ", ông Cường nói.

"Điều này cũng phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với kế hoạch phát triển của hai nước trong những năm tới trong bối cảnh tình hình mới. Ngay như tên gọi của mối quan hệ này là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, tôi nghĩ rằng điều đó cũng phù hợp, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như thế giới", ông Cường nhận định.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, đây là "thời điểm chín muồi" để lãnh đạo hai nước quyết định nâng cấp quan hệ, vì quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua quá trình phát triển, đã được thử thách và đặc biệt sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, hai bên đã có những bước phát triển rất mạnh.

"Từ hai nước cựu thù, Việt Nam và Mỹ đã từng bước xây dựng lòng tin và sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, lòng tin đó đã được tăng cường và củng cố đáng kể. Đây là cơ sở để hai nước nâng tầm quan hệ", ông Cường cho biết.

"Giai đoạn lịch sử mới"

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu như thế nào? - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư, trưa 11/9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Đánh giá về quan hệ Việt - Mỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và hai bên quyết định nâng cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện đã phản ánh độ tin cậy về mặt chính trị giữa hai nước. Hai bên đã vượt qua chặng đường 50 năm kể từ khi ký Hiệp định Paris năm 1973.

Trong chặng đường 10 năm Đối tác Toàn diện (2013-2023), thành quả của mối quan hệ trên lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kinh tế, ngoại giao, an ninh... vượt hơn hẳn so với 18 năm trước, tức là năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Theo ông Cương, 10 năm qua đã tạo ra một nền tảng cần thiết, đủ vững vàng để Việt Nam và Mỹ bước vào mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hiện nay và mối quan hệ này sắp tới sẽ là giai đoạn lịch sử mới.

"Có lẽ điều đầu tiên là trong thời gian tới đây, lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ là lĩnh vực bùng nổ, phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Lĩnh vực quan trọng nhất là lĩnh vực về thương mại và đầu tư. Tôi tin rằng sẽ có nhiều tập đoàn công nghệ cao của Mỹ vào Việt Nam đầu tư nhiều hơn, thị trường hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ đổ bộ sang Mỹ với đa dạng hóa mặt hàng và số lượng nhiều hơn", ông Cương nhận định.

Theo ông Cương, hợp tác khoa học, công nghệ đi kèm đào tạo nguồn nhân lực và xử lý những vấn đề toàn cầu cũng sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh. Về mặt chính trị và ngoại giao, sẽ có sự thắt chặt quan hệ nhiều hơn trên cả bình diện song phương, đa phương để Việt Nam và Mỹ cùng có nhận thức chung và phối hợp giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực...

"Điều quan trọng nữa là về mặt chính trị, ngoại giao, sắp tới đây chắc chắn sẽ có nhiều chuyến thăm con thoi từ Washington sang Hà Nội ở cấp cao, ở cấp thượng đỉnh và bộ trưởng và có lẽ các nhóm chuyên viên sẽ làm việc thường xuyên hơn, bận rộn hơn. Đó là những triển vọng mà chúng ta có thể hình dung về mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ tới đây sẽ phát triển sâu và rộng hơn", ông Cương dự đoán.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, các nước đang tập trung vào việc phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ những mục tiêu của đất nước, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đây là những mục tiêu rất lớn và để làm được điều đó, Đại hội XIII cũng khẳng định Việt Nam cần tận dụng mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước để phục vụ mục tiêu phát triển.

"Việc nâng tầm quan hệ với Mỹ cũng phù hợp với đường lối chủ trương mà Đại hội XIII đã vạch ra về đối ngoại, cũng như về mục tiêu phát triển đất nước", ông Cường nói.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng, qua phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, hai bên cũng đánh giá đây là chuyến thăm lịch sử, mở ra trang mới trong quan hệ hai nước, đồng thời cũng khẳng định những nội dung hợp tác trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ kế thừa những nội dung hợp tác, bao gồm 9 lĩnh vực ưu tiên, mà hai bên đã thỏa thuận khi xác lập Đối tác toàn diện cách đây 10 năm. Tuy nhiên, những nội dung đó sẽ được nâng lên tầm cao mới.

Ví dụ, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ… Hai bên cũng nhất trí hợp tác trong những lĩnh vực mới mà cách đây 10 năm chúng ta chưa bàn đến như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao…

Trong cuộc họp báo với Tổng thống Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là bước khởi đầu rất quan trọng. Theo ông Cường, trong thời gian sắp tới, các bộ ngành liên quan của cả hai nước sẽ bắt tay vào việc triển khai việc hiện thực hóa những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao.

"Cơ hội hợp tác hiện mở rộng ra nhiều lĩnh vực, vấn đề là khả năng nắm bắt những cơ hội hợp tác đó đến đâu. Không chỉ các bộ ngành liên quan, mà từng doanh nghiệp và cả người dân hai nước cũng là những nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao", Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận định.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng lưu ý rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ dù được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện nhưng "không phải lúc nào cũng màu hồng hay như ô tô chạy băng băng trên đường cao tốc". Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, những cơ hội và vận hội mới, quan hệ hai nước vẫn còn những thách thức cản trở sự phát triển mà hai bên cần phải vượt qua, như khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường niềm tin chính trị…

Ông cũng cho rằng dù còn một số khác biệt nhưng điều đó không thay đổi quỹ đạo quan hệ song phương Việt - Mỹ và xu thế tất yếu là Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thiết kế chiến lược toàn cầu của Mỹ. Theo ông Cương, trong khi thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng cần cân đối các mối quan hệ khác.

"Cần phải nói cho thế giới biết rằng mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ dựa trên nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, dựa trên phục vụ lợi ích của hai nước. Mối quan hệ này vừa phục vụ lợi ích của hai nước, vừa góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Đây là lập trường rõ ràng của Việt Nam cần được nhấn mạnh để cộng đồng quốc tế ủng hộ", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Nguồn://dantri.com.vn

Nguồn://dantri.com.vn

Ý kiến bạn đọc